Timothy: Rô-ma 7:7-25

13,863 views

Timothy: Rô-ma 7:7-25
Luật Thiện và Luật Ác

7 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Có phải luật pháp là tội lỗi? Chẳng hề như vậy! Nhưng tôi không biết tội lỗi nếu không bởi luật pháp. Vì tôi không biết sự tham muốn nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham muốn!

8 Tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà làm thành mọi sự tham muốn trong tôi. Nhưng không có luật pháp thì tội lỗi chết.

9 Tôi từng sống mà không có luật pháp. Nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi sống và tôi chết!

10 Điều răn là sự hướng về sự sống, nhưng điều tôi tìm thấy hướng về sự chết.

11 Vì tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà lừa gạt tôi và bởi đó giết tôi.

12 Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành.

13 Thế thì điều lành lại làm cho tôi chết sao? Chẳng phải vậy! Nhưng tội lỗi đã làm cho tôi chết, để cho thấy rằng: Tội lỗi đã bởi điều lành làm cho tôi chết; tội lỗi bởi điều răn mà trở thành vô cùng độc ác.

14 Chúng ta biết rằng, luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều tôi làm: Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi làm!

16 Nhưng dù tôi làm điều tôi chẳng muốn, thì tôi vẫn công nhận luật pháp là tốt lành.

17 Cho nên, chẳng còn là tôi làm điều đó, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn làm lành có trong tôi, nhưng tôi không tìm thấy năng lực để làm ra sự tốt lành.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện trong tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

24 Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?

25 Tôi dâng lời cảm tạ! Ấy là Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của chúng ta! Như vậy, thật ra, chính mình tôi: trong tâm trí thì chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng trong xác thịt thì chịu phục luật pháp của tội lỗi.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con lại vui mừng cảm tạ Cha vì Ngài ban thêm cho con một ngày, trong cuộc đời này. Và Lời Hằng Sống của Thiên Chúa vẫn có sẵn cho con nuôi dưỡng linh hồn và tâm thần của mình. Nhờ đó mà thể xác của con tiếp tục ở trong sự thánh hóa. Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa thật không bao giờ dứt trên con. Nguyện xin Đấng Christ thêm sức cho thể xác của con trong ngày mới này, chữa lành các sự yếu đuối, bệnh tật trong con. Nguyện xin Đức Thánh Linh ban sự khôn sáng cho con, giữ cho con luôn ở trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Con cảm tạ Đấng Christ và Đức Thánh Linh.

Thưa Cha, con xin ghi lại sự hiểu biết con nhận được, trong khi suy ngẫm Rô-ma 7:7-25. Hôm nay, con xin ghi lại sự hiểu của con về ý nghĩa của từng câu.

Thưa Cha, con hiểu câu 7 như sau: Trước khi luật pháp được ban hành qua chữ viết thì đã có sự phạm tội. Ca-in giết A-bên là phạm tội giết người. Mặc dù khi đó chưa có văn bản luật pháp để lên án và hình phạt tội giết người. Nhưng trong lòng Ca-in biết rõ, sự giết người là không đúng. Vì loài người được dựng nên như hình của Thiên Chúa, tức là được mang lấy tri thức về sự yêu thương, sự thánh khiết, và sự công chính. Đó cũng chính là luật pháp Đức Chúa Trời đặt để trong thần trí của loài người, gọi là lương tâm. Lời Thiên Chúa phán với I-sác về Áp-ra-ham, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 26:5, giúp cho con hiểu là trong thần trí của Áp-ra-ham có sự tri thức về các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Lời ấy chép rằng: “Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” Mãi tới 430 năm, sau khi Áp-ra-ham đã tỏ ra nếp sống có đức tin nơi Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, thì các điều răn và luật pháp mới được ban hành qua chữ viết.

Trước khi có điều răn ngăn cấm sự tham muốn và luật pháp hình phạt tôi tham muốn, thì loài người vẫn tham muốn. Tuy nhiên, loài người không biết rằng, đó là tội lỗi, và cũng không bị hình phạt khi tham muốn. Khi có điều răn cấm tham muốn và luật pháp lên án sự tham muốn, thì loài người mới nhận biết sự tham muốn của mình là tội lỗi, và hiểu được vì sao mà mình bị hình phạt, khi mình tham muốn.

Thưa Cha, con hiểu câu 8 như sau: Tội lỗi đã dùng sự ngăn cấm của điều răn để kích thích loài người phạm tội. Trong loài người có bản tính phạm tội, tức là thích làm ra những điều sai nghịch điều răn của Thiên Chúa để thỏa mãn những sự ham muốn bất chính. Điển hình là nếu không có điều răn cấm tà dâm thì loài người vẫn phạm tà dâm. Nhưng khi có điều răn cấm tà dâm, thì bản tính thích phạm tội kích thích người ta phạm tà dâm nhiều hơn. Hầu như hễ có lệnh cấm nào thì loài người vi phạm ngay lệnh cấm đó.

Thưa Cha, con hiểu câu “Nhưng không có luật pháp thì tội lỗi chết” có nghĩa là tội lỗi không thể dùng sự ngăn cấm của điều răn để kích thích loài người phạm tội. Sự “chết” được dùng cho tội lỗi ở đây có nghĩa là bất động, yên lặng.

Thưa Cha, con hiểu câu 9 như sau: Khoảng thời gian một người từng sống mà không có luật pháp là khi người ấy còn là trẻ thơ, chưa có ý thức phạm tội. Khi người ấy có ý thức phạm tội thì người ấy không thể không phạm tội vì tội lỗi thôi thúc và bắt ép người ấy làm ra tội. Vì thế, tội lỗi sống trong người ấy và người ấy chết vì phạm tội.

Thưa Cha, con hiểu câu 10 như sau: Mục đích của điều răn là giúp cho loài người biết tránh sự phạm tội để được sống. Nhưng loài người không có sức mạnh chống lại sự cám dỗ của tội lỗi nên cứ phạm tội và bị chết. Điều đó cũng giống như trên các gói thuốc lá đều có hàng chữ “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”, hoặc “Hút thuốc sẽ gây ra ung thư phổi”, nhưng loài người vẫn bỏ tiền ra để mua và hút. Lời cảnh cáo trên gói thuốc lá hướng người ta đến sự sống, nhưng người hút thuốc lá chọn hướng về sự chết.

Thưa Cha, con hiểu câu 11, như sau: Tội lỗi đã nhân cơ hội điều răn nghiêm cấm loài người mà xúi giục loài người phạm tội, đồng thời kèm theo lời dối gạt, như: “Không sao đâu”, “Chỉ phạm một lần thôi”, “Ai cũng làm như vậy”, “Chúa là yêu thương, Chúa sẽ tha thứ”…

Thưa Cha, con hiểu câu 12 như sau: Luật pháp và điều răn của Thiên Chúa là thánh, là công chính, và là tốt lành. Mục đích của luật pháp và điều răn là để loài người được vui sống, bình an cho tới khi loài người được mặc lấy thân thể xác thịt mới. Khi ấy, sự vâng phục Thiên Chúa đã trở thành đặc tính của loài người, các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được chép trong tâm trí của loài người, không còn viết thành chữ bên ngoài nữa.

Thưa Cha, con hiểu câu 13 như sau: Không phải điều răn và luật pháp của Thiên Chúa làm cho loài người chết, mà là bản tính tội, chống nghịch Thiên Chúa, trong mỗi người đã khiến cho mỗi người đều phạm tội và phải nhận hậu quả của sự phạm tội là sự chết. Vì tội lỗi đã dùng các điều răn để kích thích, xúi giục, dối gạt loài người, khiến họ phạm tội nên tội lỗi đã trở thành vô cùng độc ác.

Thưa Cha, con hiểu câu 14 như sau: Luật pháp của Thiên Chúa là thiêng liêng, vì nó tác động trong tâm thần, tức thân thể thiêng liêng của loài người để cai trị mọi hành động của thân thể xác thịt. Nhưng chỉ cần loài người phạm một tội thì lập tức trở thành nô lệ của tội lỗi. Từ đó, loài người không thể không phạm tội theo sự xui khiến của tội lỗi. Tính xác thịt là tính chỉ biết làm bất cứ gì để thỏa mãn sự ham muốn của xác thịt. Bị bán cho tội lỗi là trở thành nô lệ cho tội lỗi để được hưởng các thú vui do tội lỗi mang đến.

Thưa Cha, con hiểu câu 15 như sau: Loài người không hiểu tại sao mình lại chọn phạm tội, dù biết phạm tội là chết. Loài người muốn giữ các điều răn để được sống nhưng lại không làm; ghét sự phạm tội vì biết nó đem đến sự chết và sự cáo trách trong lương tâm, nhưng vẫn cứ phạm tội.

Thưa Cha, con hiểu câu 16 và 17 như sau: Ngay cả khi loài người phạm tội, loài người vẫn biết luật pháp của Thiên Chúa là tốt lành, dù là luật trong lương tâm hay luật được chép trong Thánh Kinh. Cho nên, chẳng phải linh hồn của loài người muốn phạm tội mà là bản tính tội lỗi đã di truyền cho mỗi người từ A-đam thôi thúc họ phạm tội.

Thưa Cha, con hiểu câu 18 và 19 như sau: Loài người vẫn nhận biết mình có bản tính tội lỗi xấu xa, là bản tính phạm điều răn của Thiên Chúa để chiều theo những sự ham muốn của xác thịt. Vì thế, trong xác thịt của loài người không có sự kính sợ Đức Chúa Trời. Trong xác thịt chỉ có sự kêu gọi, đòi hỏi thỏa mãn những sự ham muốn của nó. Ý muốn làm lành nằm trong thần trí của loài người, do sự nhận thức trong lương tâm. Nhưng loài người không tìm thấy năng lực để làm ra sự tốt lành. Loài người không thể làm lành nhưng lại dễ dàng làm ra điều dữ mà lòng mình không muốn.

Thưa Cha, con hiểu câu 20 như sau: Thực tế, bản ngã tức linh hồn của loài người không muốn phạm tội. Nhưng bản tính tội cứ khiến loài người làm ra tội. Vì từ khi loài người phạm tội lần đầu tiên thì tội lỗi vào trong thân thể của họ và ở lại điều khiển họ tiếp tục làm ra tội, cho tới khi họ chết.

Thưa Cha, con hiểu câu 21 và 22 như sau: Loài người có thể tìm thấy luật pháp của Thiên Chúa trong lương tâm hoặc trong Thánh Kinh. Thần trí của loài người biết luật pháp là thiện, là tốt lành, vui thỏa trong luật pháp. Nhưng loài người lại không có năng lực sống theo luật pháp, không thể vâng giữ các điều răn, mà chỉ dễ dàng làm ra các hành động vi phạm các điều răn, bị luật pháp lên án.

Thưa Cha, con hiểu câu 23 như sau: Loài người tìm thấy trong thân thể mình có một luật khác, đối nghịch với luật pháp của Thiên Chúa trong tâm trí. Luật ấy đã thắng hơn loài người và bắt loài người làm tù binh. Nghĩa là loài người có chiến đấu chống lại, không muốn vâng theo luật ấy, nhưng loài người đã thua và trở thành tù binh, làm nô lệ cho luật ấy. Luật ấy cai trị thân thể xác thịt của loài người, bắt thân thể xác thịt của loài người phải vâng phục nó. Nếu nghe theo thì sẽ có sự vui thỏa trong xác thịt. Nếu không nghe theo thì sẽ có sự khốn khổ trong xác thịt. Nhưng sự vui thỏa trong xác thịt chỉ là tạm thời, ngắn ngủi, và dẫn đến sự chết. Thưa Cha, điều này làm cho con nghĩ đến tình trạng của người nghiện rượu hay nghiện ma túy phải vâng theo luật pháp của cơn nghiện.

Thưa Cha, con hiểu câu 24 như sau: Loài người vô cùng khốn khổ trong tình trạng bị nô lệ cho tội lỗi, không thể tự mình thoát khỏi. Loài người cần có sự cứu rỗi.

Thưa Cha, con hiểu câu 25 như sau: Chỉ trong Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ mà loài người mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi. Điều đáng ghi nhớ là, trong thần trí, theo lương tâm, loài người vẫn biết luật pháp của Đức Chúa Trời là công chính và chịu phục. Tuy nhiên, xác thịt của loài người thì phục luật pháp của tội lỗi. Nghĩa là xác thịt cứ làm ra những điều nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa để thỏa mãn những ham muốn của xác thịt. Gọi là luật pháp của tội lỗi vì sức mạnh của tội lỗi cũng có thưởng và có phạt. Nó thưởng cho những ai làm ra tội những thú vui tội lỗi. Nó phạt những ai không làm ra tội bằng sự khốn khổ, khó chịu trong xác thịt, vì sự ham thích của xác thịt không được thỏa mãn.

Thưa Cha, con dâng lời cảm tạ Cha về ân điển cứu rỗi của Ngài. Vì khi bất cứ người nào tiếp nhận ân điển đó thì luật pháp của tội lỗi không còn quyền trên người ấy, luật pháp của Thiên Chúa không còn hình phạt người ấy. Trái lại, người ấy có năng lực của Thiên Chúa để thắng những sự ham muốn bất chính của xác thịt, giữ trọn các điều răn của Thiên Chúa.

Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa vì con đã được ở trong ân điển cứu rỗi, đang sống một đời sống đắc thắng xác thịt, bắt nó phải phục theo luật pháp của Thiên Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
22/03/2023