Timothy: II Cô-rinh-tô 2:5-11

6,889 views

Timothy: II Cô-rinh-tô 2:5-11
Sự Tha Thứ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Cứ mỗi một ngày trôi qua trong đời sống con, con cảm thấy thân thể này càng suy yếu đi, dù khi con đi khám sức khỏe định kỳ thì kết quả cho thấy là con không có bệnh. Con chỉ mong được đủ khỏe để tìm vui trong sự làm vườn và không mệt mỏi trong sự suy ngẫm Lời Chúa, biên soạn bài giảng, phiên dịch Thánh Kinh cho tới ngày Đấng Christ đến. Con xin Đấng Christ thêm sức mới cho con mỗi ngày. Con xin Đức Thánh Linh dẫn con vào mọi lẽ thật trong Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về sự tha thứ được nói đến trong II Cô-rinh-tô 2:5-11, như sau:

5 Vậy, nếu có ai đã gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho tôi, nhưng cũng cho một phần trong các anh chị em. Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em.

Câu 5: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nói lên một lẽ thật về sự thông công trong Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể trong cùng một thân. Mỗi chi thể đều có sự tương quan với các chi thể khác. Vì thế, khi trong Hội Thánh có một người phạm tội thì sự phạm tội của người ấy ảnh hưởng đến toàn Hội Thánh. Sự phạm tội của một người trong Hội Thánh gây ra sự buồn rầu cho chính Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh, và cho tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh. Nếu có ai không buồn rầu vì sự phạm tội trong Hội Thánh là vì người ấy không thật sự thuộc về Hội Thánh. Trong lá thư trước, Phao-lô viết lời quở trách về sự vô tâm của một số người trong Hội Thánh trước sự phạm tội trong Hội Thánh. Ông không có ý quở trách những người biết buồn rầu vì sự phạm tội trong Hội Thánh, khiến họ thêm nặng lòng.

6 Sự hình phạt đó bởi nhiều người đã là quá đủ cho người như thế.

Câu 6: Con hiểu rằng, có lẽ Phao-lô nhận được tin người bị dứt thông công đã biết ăn năn nhưng Hội Thánh chưa tiếp nhận người ấy trở lại. Sở dĩ Hội Thánh chưa tiếp nhận người ấy trở lại là vì chưa có tiền lệ, cũng chưa có sự dạy dỗ cụ thể nào cho trường hợp như vậy. Sứ Đồ Phao-lô đã nhân cơ hội, dạy cho con dân Chúa về sự tha thứ cho người có tội nhưng biết ăn năn. Một người phạm tội bị Hội Thánh dứt thông công nếu đã thật lòng ăn năn thì lập tức từ bỏ sự phạm tội và rất đau lòng về sự vi phạm của mình. Người như vậy đáng được Hội Thánh tha thứ và tiếp nhận trở lại vào trong Hội Thánh. Chính Đấng Christ đã ban quyền tha tội và buộc tội cho Hội Thánh, như lời đã chép trong Giăng 20:23.

7 Vậy, thà rằng các anh chị em tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người như thế bị nuốt bởi sự buồn rầu quá lớn.

8 Thế nên, tôi xin các anh chị em, hãy xác định tình yêu của các anh chị em đối với người ấy.

Câu 7 và 8: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tha thứ, an ủi người bị dứt thông công nhưng đã thật lòng ăn năn. Có nghĩa là Hội Thánh hãy tiếp nhận người ấy trở lại vào trong Hội Thánh. Người thật lòng ăn năn tội thì đã nhận được sự tha thứ từ Chúa, như lời đã chép trong I Giăng 1:9. Nếu Hội Thánh chậm trễ thì người ấy có thể quá đau buồn, thất vọng, mà lui đi trong đức tin. Có một điều dễ hiểu là ma quỷ sẽ lợi dụng sự lơ là của Hội Thánh để kéo người ấy xa khỏi Hội Thánh, cám dỗ người ấy phạm tội trở lại. Sứ Đồ Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thể hiện tình yêu đối với người đã ăn năn, để xác định rằng, họ thật yêu người ấy, sẵn sàng tiếp nhận người ấy vào trong Hội Thánh.

9 Vì việc này mà tôi đã viết cho các anh chị em, để tôi biết sự thử nghiệm của các anh chị em, xem các anh chị em có vâng lời tôi trong mọi sự hay không.

10 Nhưng các anh chị em tha thứ ai điều gì, thì tôi cũng tha thứ. Vì tôi dù đã tha thứ điều gì, đã tha thứ ai là qua các anh chị em, trong sự hiện diện của Đấng Christ.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, trong lá thư trước, Sứ Đồ Phao-lô đã truyền cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô dứt thông công người phạm tội. Đó là mệnh lệnh mà cũng là để thử nghiệm xem Hội Thánh có vâng phục ông hay không. Trong thực tế, Phao-lô có quyền cai trị Chúa ban trên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nên Hội Thánh phải vâng phục ông trong mọi sự. Dù vậy, nếu Hội Thánh không thật lòng tin kính Chúa thì sẽ không vâng phục thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã vâng phục Phao-lô, dứt thông công người phạm tội.

Nhưng giờ đây, khi người phạm tội đã tỏ ra thật lòng ăn năn, nếu Hội Thánh tha thứ cho người ấy thì Phao-lô cũng tha thứ cho người ấy. Vì Phao-lô xem mình là một với Hội Thánh. Sự tha thứ của Phao-lô không là ý riêng của ông mà là sự đồng thuận với Hội Thánh. Sự tha thứ ấy là sự tha thứ của Hội Thánh, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, bởi thẩm quyền đã nhận từ Ngài, và trước sự hiện diện của Ngài.

11 Đừng để cho chúng ta bị lợi dụng bởi Sa-tan, vì chúng ta chẳng phải là không biết ý xấu của nó.

Câu 11: Con hiểu rằng, đừng để cho bị lợi dụng bởi Sa-tan có nghĩa là đừng cho Sa-tan một cơ hội nào để đánh phá Hội Thánh. Khi có sự phạm tội trong Hội Thánh mà người phạm tội không ăn năn thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy, để Sa-tan không dùng người ấy làm gương xấu trong Hội Thánh và khiến Hội Thánh mang tiếng xấu trước những người không tin Chúa. Khi người phạm tội thật lòng ăn năn thì Hội Thánh phải nhanh chóng tiếp nhận người ấy trở lại, không chậm trễ, khiến cho Sa-tan có cơ hội vu khống Hội Thánh, gieo nghi ngờ cho người ấy, kéo người ấy xa khỏi Hội Thánh. Con dân Chúa đương nhiên biết rõ Sa-tan ngày đêm rình mò để tấn công Hội Thánh, như lời đã chép trong I Phi-e-rơ 5:8.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học hôm nay. Xin Cha ban cho con dân Ngài ở khắp nơi có sự khôn sáng, biết áp dụng bài học này trong mỗi Hội Thánh địa phương, giữ gìn sự thánh khiết cùng sự yêu thương, hiệp một trong Hội Thánh. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy