Timothy: II Cô-rinh-tô 13:1-14

8,732 views

Timothy: II Cô-rinh-tô 13:1-14
Lời Nhắn Gửi Sau Cùng

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Mỗi ngày, khi con suy ngẫm những sự lạ lùng trong công cuộc sáng tạo của Ngài thì con càng nôn nao, mong cho mau đến ngày được vào thiên đàng, để có sự hiểu biết đầy trọn về mỗi việc làm của Ngài. Hôm nay, khi con dọn cây cỏ mọc hoang trong vườn, con thấy những loài cây cỏ không ăn được thì chúng tự mọc lên và có sức sống mãnh liệt, dù không được tay người chăm sóc. Một mảnh đất chỉ cần bỏ qua không chăm sóc một thời gian ngắn là cây cỏ mọc lên um tùm. Trong khi đó, những loại rau ăn được và những loại cây có trái ăn được thì phải được chăm sóc mới có thể tươi tốt. Con chợt nghĩ đến lời phán của Ngài trong Sáng Thế Ký 3:17 “…Vậy, đất bị rủa sả vì ngươi; trọn những ngày của đời ngươi, ngươi sẽ khó nhọc mà ăn từ nó.” Và con thấy đó là lời giải thích duy nhất trong thế gian về lý do tại sao các loài thực vật ăn được thì loài người phải khó nhọc canh tác. Vì đó là một phần trong hình phạt dành cho sự phạm tội của loài người. Đó cũng là thêm một lý do để chứng minh Thánh Kinh đúng là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, dạy cho loài người biết lẽ thật và dẫn loài người đến sự sống. Con cảm tạ Cha vì Ngài đã ban cho con sự cứu rỗi và tri thức về lẽ thật. Giờ này, con cầu xin Đấng Christ bổ sức lại cho con, con cầu xin Đức Thánh Linh soi dẫn tâm thần con trong khi con suy ngẫm Thánh Kinh.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về II Cô-rinh-tô 13:1-14, như sau:

1 Đây là lần thứ ba tôi tìm kiếm sự ảnh hưởng đến các anh chị em. Bởi miệng của hai hay ba chứng nhân mỗi lời nói sẽ được thành lập.

Câu 1: Con hiểu rằng, “tôi tìm kiếm sự ảnh hưởng đến các anh chị em” có nghĩa là Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô lắng nghe và vâng phục ông. Con biết nhiều bản dịch Thánh Kinh dịch là “tôi đến với các anh chị em” nhưng thực tế, vào lúc Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô thì ông chỉ đến Cô-rinh-tô có một lần. Lần sắp đến sẽ là lần thứ nhì, không phải lần thứ ba. Vì thế, từ ngữ “erchomai” (G2064) phải được dịch theo nghĩa bóng là “tìm kiếm sự ảnh hưởng” cho đúng văn mạch và thực tế. Theo sử liệu của Hội Thánh thì trước thư I Cô-rinh-tô, Phao-lô đã có viết một thư khác cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Giữa thư I Cô-rinh-tô và thư II Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng có viết một thư khác cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Ngày nay, hai thư ấy đều không được lưu lại. Có lẽ trong thư đầu tiên thì Phao-lô chỉ viết lời thăm hỏi và khích lệ Hội Thánh, không bao lâu, sau khi ông rời khỏi Cô-rinh-tô. Nhưng kể từ thư I Cô-rinh-tô thì Phao-lô có những lời mà ông muốn Hội Thánh phải vâng theo. Vì thế, thư II Cô-rinh-tô chính là lần thứ ba Phao-lô dùng lời trong thư để tạo ảnh hưởng đến con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Con hiểu rằng, Phao-lô đang nhắc cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về nguyên tắc nhân chứng trong sự phán xét những kẻ có tội trong Hội Thánh.

2 Tôi đã nói trước đây và tôi nói trước lần thứ nhì, như đang có mặt. Và hiện nay đang vắng mặt, tôi viết cho những kẻ trước đã phạm tội và cho mọi kẻ khác rằng, nếu tôi đến với họ lần nữa thì tôi sẽ chẳng dung thứ.

Câu 2: Con hiểu rằng, lần “nói trước đây” có lẽ là lần được viết trong lá thư giữa thư I Cô-rinh-tô và thư II Cô-rinh-tô. “Nói trước lần thứ nhì” tức là lời đang được Phao-lô viết ra trong câu này. Đó là, khi Phao-lô đến Cô-rinh-tô thì ông sẽ nghiêm khắc thi hành kỷ luật đối với những kẻ phạm tội mà không ăn năn. “Cho mọi kẻ khác” là Phao-lô cũng sẽ đồng thời kỷ luật các trưởng lão vì đã không thi hành bổn phận, để cho những kẻ phạm tội mà không ăn năn cứ ở lại trong Hội Thánh, làm ảnh hưởng xấu Hội Thánh. Những con dân Chúa khác trong Hội Thánh cũng sẽ bị Phao-lô khiển trách, vì đã không tỏ thái độ đối với sự tắc trách của các trưởng lão.

3 Vì các anh chị em tìm kiếm chứng cớ về tiếng phán của Đấng Christ trong tôi, Đấng đối với các anh chị em chẳng yếu đuối nhưng mạnh mẽ trong các anh chị em.

4 Vì nếu ngay cả Ngài đã bị đóng đinh bởi sự yếu đuối thì Ngài sống bởi năng lực của Thiên Chúa. Và vì chúng tôi cũng yếu đuối trong Ngài thì chúng tôi sẽ sống với Ngài bởi năng lực của Thiên Chúa, đối với các anh chị em.

Câu 3 và 4: Trong số những kẻ phạm tội có những kẻ tin theo lời các giáo sư giả mà nghi ngờ Phao-lô không phải là sứ đồ của Chúa. Họ đòi hỏi chứng cớ về sự Phao-lô được Đấng Christ giảng dạy Tin Lành cho ông. Vì họ biết Phao-lô tin nhận Đấng Christ sau khi Ngài đã thăng thiên. Có lẽ các giáo sư giả đã nói rằng, Phao-lô không phải là sứ đồ của Chúa vì ông không thuộc nhóm 12 sứ đồ, không được Chúa trực tiếp giảng dạy. Phao-lô cố ý nhắc cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về sức mạnh của Đấng Christ đã thay đổi đời sống họ và vẫn đang ở trong họ. Dù Ngài như là yếu đuối, xuôi tay chịu bị bắt, bị làm nhục, và bị giết, nhưng Ngài đã sống lại và đang thể hiện sức mạnh của Ngài trong chính họ. Phao-lô tuyên bố rằng, ông và các bạn của ông cũng theo gương Đấng Christ, chịu bị bách hại, chịu bị vu khống, chịu khổ như Đấng Christ nhưng cũng sống mạnh mẽ bằng chính sức sống của Thiên Chúa để phục vụ và làm gương cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

5 Hãy tự xét, nếu các anh chị em ở trong đức tin! Hãy tự chứng minh! Hay các anh chị em không nhận biết chính mình; vì Đức Chúa Jesus Christ ở trong các anh chị em, nếu chẳng phải các anh chị em là không xứng đáng về sự gì.

6 Nhưng tôi mong rằng, các anh chị em nhận biết rằng, chúng ta chẳng phải là không xứng đáng.

Câu 5 và 6: Con hiểu rằng, Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy tự mình kiểm nghiệm để chứng minh họ đã thật ở trong sự cứu rỗi, đã được dựng nên mới, đang kinh nghiệm sức sống của Thiên Chúa trong họ. Trừ khi là họ không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng tin nhận Tin Lành nên Đấng Christ không ở trong họ. Thực tế, hầu hết con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đều được ban cho ân tứ nói các ngoại ngữ. Điều đó chứng minh Phao-lô chính là sứ đồ của Chúa, rao giảng một Tin Lành chân thật cho họ, và Tin Lành ấy đã biến đổi họ. Thế thì họ còn đòi hỏi chứng cớ gì nữa để chứng minh Phao-lô là sứ đồ và Tin Lành ông rao giảng chính là Tin Lành ông nhận từ Đấng Christ?

7 Nhưng tôi cầu xin với Đức Chúa Trời cho các anh chị em đừng làm việc ác nào, chẳng phải để tỏ ra chúng tôi được chấp nhận, nhưng để cho các anh chị em làm điều thiện, cho dù chúng tôi như là không xứng đáng.

Câu 7: Con hiểu rằng, Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời giữ gìn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để họ đừng nghe theo sự dẫn dụ của các giáo sư giả mà phạm tội. Đó không phải là Phao-lô muốn cho ông và các bạn của ông được chứng minh rằng họ đã được Chúa ban cho chức vụ và con dân Chúa tại Cô-rinh-tô công nhận chức vụ của họ. Mà Phao-lô chỉ muốn con dân Chúa không phạm tội, chỉ làm những việc đẹp ý Đức Chúa Trời, cư xử đúng với các tôi tớ chân thật của Chúa, dù Phao-lô và các bạn của ông không xem mình là xứng đáng.

8 Vì chúng tôi chẳng có năng lực làm điều gì nghịch lại lẽ thật, nhưng làm vì lẽ thật.

9 Vì chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu đuối, miễn là các anh chị em được mạnh mẽ. Nhưng điều chúng tôi cũng cầu xin là sự trọn vẹn của các anh chị em.

Câu 8 và 9: Con hiểu rằng, con dân chân thật trong Chúa thì không có năng lực để phạm tội mà chỉ có năng lực để thắng sự phạm tội. Vì họ ghét tội, sợ tội, yêu kính Thiên Chúa, và có sức toàn năng của Ngài để thắng cám dỗ và làm mọi việc lành, hiệp với lẽ thật. Phao-lô và các bạn của ông dù “yếu đuối” có nghĩa là chịu sự khó khăn, thiếu thốn, khó nhọc trong thân thể xác thịt, trong mục vụ gây dựng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhưng vui mừng vì gây dựng được đức tin cho họ. Phao-lô và các bạn của ông tiếp tục cầu xin cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đạt đến mức trọn vẹn trong Đấng Christ.

10 Bởi đó, tôi viết những điều này đang khi vắng mặt; để đang khi có mặt, tôi không hành xử cách sắc bén theo thẩm quyền mà Chúa đã ban cho tôi, là thẩm quyền để gây dựng chứ không phải để hủy diệt.

11 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng! Hãy nên trọn vẹn! Hãy được an ủi! Hãy đồng một tâm trí! Hãy sống hòa thuận! Thì Đức Chúa Trời của tình yêu và của sự bình an sẽ ở với các anh chị em.

Câu 10 và 11: Con hiểu rằng, Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tự giải quyết nan đề tội lỗi trong Hội Thánh trước khi ông đến. Dù ông có thẩm quyền Chúa ban trên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhưng ông chỉ muốn dùng quyền đó để gây dựng Hội Thánh chứ không phải để kỷ luật Hội Thánh. Dù trong Hội Thánh có nan đề nhưng Phao-lô khích lệ con dân Chúa hãy vui mừng, trở nên trọn vẹn, tiếp nhận sự an ủi của Chúa, đồng một tâm trí sống hòa thuận với nhau. Đó cũng là các sự mà Hội Thánh phải luôn theo đuổi, dù ở trong bất cứ cảnh ngộ nào. Con dân Chúa vui mừng vì được ở trong sự cứu rỗi, được làm con cái của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa trở nên trọn vẹn vì đó là ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời định sẵn cho mỗi người. Con dân Chúa được chính Thiên Chúa an ủi trong những lúc đau buồn, vì Đấng Thần Linh là Thần An Ủi. Con dân Chúa phải đồng một tâm trí vì Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, được cai trị bởi chính Đấng Christ, mỗi người là chi thể, nghe theo mệnh lệnh của đầu là Đấng Christ. Con dân Chúa sống hòa thuận vì yêu người lân cận như chính mình và yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình. Khi con dân Chúa sống nếp sống như vậy thì chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, nghĩa là Ngài quan phòng họ. Tình yêu và sự bình an của Ngài sẽ bao phủ họ.

12 Hãy chào nhau bằng nụ hôn thánh.

13 Hết thảy các thánh đồ chào các anh chị em.

14 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men! [Thư này được viết tại Phi-líp, có thể do Tít và Lu-ca ghi chép.]

Câu 12-14: Con hiểu rằng, Phao-lô dùng cách nói “chào nhau bằng nụ hôn thánh” là hàm ý, con dân Chúa vui mừng chào nhau bằng sự yêu thương, quý mến, tôn trọng chân thật đối với nhau. Nụ hôn thể hiện tình yêu. Nụ hôn thánh tiêu biểu cho tình yêu chân thật trong Chúa và đến từ Chúa. Dù không đối diện với nhau thì con dân Chúa cũng vẫn có thể chào nhau bằng “nụ hôn thánh”, nghĩa là gửi lời chào nhau phát xuất từ tấm lòng chân thật. Phao-lô thay con dân Chúa tại thành Phi-líp và các bạn của ông gửi lời chào Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Phao-lô chúc cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh. Ân điển của Đấng Christ bảo đảm sự cứu rỗi của con dân Chúa. Tình yêu của Đức Chúa Trời bảo đảm sự quan phòng trên con dân Chúa. Sự thông công của Đức Thánh Linh bảo đảm sự hiệp một giữa con dân Chúa với nhau và với Đấng Christ.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học này. Xin Cha giúp cho các Hội Thánh địa phương suy ngẫm và áp dụng bài học này. Đó là biết giải quyết ngay các nan đề về tội lỗi trong Hội Thánh. Luôn tự xét mình để biết rõ mình đang ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa và sống sao cho xứng đáng với tình yêu và ân điển của Thiên Chúa. Luôn biết ơn và tôn trọng những người Chúa sai đem lẽ thật đến cho mình, kể cả những người Chúa dùng để chỉ ra những sự sai trái, phạm lỗi, phạm tội của mình. Hội Thánh phải luôn vui mừng, trở nên trọn vẹn, tiếp nhận sự an ủi của Chúa, đồng một tâm trí sống hòa thuận với nhau. Và mỗi người yêu nhau bằng tình yêu chân thật trong Chúa. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy