Timothy: I Cô-rinh-tô 16:12-24

8,064 views

Timothy: I Cô-rinh-tô 16:12-24
Lời Cuối Trong Thư

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Hôm nay, con nặng lòng khi được biết trong Hội Thánh vẫn có một số người chỉ tin Chúa bằng lý trí. Họ thật lòng tin Chúa nhưng mọi hành xử trong cuộc sống của họ thì theo phản ứng tự nhiên và theo tình cảm của con người xác thịt. Họ không biết tìm cầu sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Vì thế, đời sống của họ không có niềm vui và ơn phước như đáng phải có. Con kính xin Cha thương xót họ và tỉa sửa họ. Vì ngày Đấng Christ đến đã rất gần rồi mà mọi việc trong đời sống của họ vẫn chưa vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Con cảm tạ Cha. Giờ đây, con cầu xin Đấng Christ thêm sức mới cho con. Con cầu xin Đức Thánh Linh dẫn con vào trong mọi lẽ thật của Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Con cảm tạ Đấng Christ và Đức Thánh Linh.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về I Cô-rinh-tô 16:12-24, như sau:

12 Về A-bô-lô, người anh em cùng Cha, tôi rất mong người đến cùng các anh chị em với các anh chị em cùng Cha. Nhưng ý của người là không đến vào lúc này; người sẽ đến khi có cơ hội.

Câu 12: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô quan tâm đến tình trạng thuộc linh của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nên ông muốn rằng, trong khi ông không có mặt thì A-bô-lô và các bạn của A-bô-lô đến Cô-rinh-tô để giảng dạy, xây dựng Hội Thánh. Trước đây, A-bô-lô đã từng đến, giảng dạy cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, A-bô-lô đã không đến theo lời mời của Phao-lô. Có lẽ vì lúc bấy giờ, sự việc con dân Chúa tại Cô-rinh-tô phân chia thành các nhóm khác nhau, nhóm thì nhận là mình theo Phao-lô, nhóm thì nhận là mình theo A-bô-lô, chưa hoàn toàn được kết thúc nên A-bô-lô không muốn đến Cô-rinh-tô trong thời điểm đó.

13 Các anh chị em hãy tỉnh thức! Hãy đứng vững trong đức tin! Hãy can đảm! Hãy mạnh mẽ!

Câu 13: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa bốn điều phải có trong nếp sống của người theo Chúa. Đó là: hãy tỉnh thức; hãy đứng vững trong đức tin; hãy can đảm; và hãy mạnh mẽ. Có tỉnh thức thì mới đứng vững trong đức tin. Có đứng vững trong đức tin thì mới có can đảm. Có can đảm thì mới trở nên mạnh mẽ. Tỉnh thức là luôn giữ mối tương giao với Chúa, luôn suy ngẫm Lời Chúa, luôn đối chiếu mọi sự với Lời Chúa, và luôn hành động theo Lời Chúa. Đứng vững trong đức tin là vì có sự tương giao mật thiết với Chúa nên hiểu biết ý Chúa, Lời Chúa; hiểu biết ý nghĩa và mục đích các sự việc xảy ra cho mình trong cuộc sống; được sự phán dạy trực tiếp của Chúa trong các quyết định. Có can đảm vì nhận biết Đức Chúa Trời vì mình thì không ai, không sự gì có thể nghịch lại mình. Trở nên mạnh mẽ vì biết rõ mọi sự mình làm là bởi năng lực của Thiên Chúa.

14 Mọi việc của các anh chị em hãy được làm trong tình yêu.

Câu 14: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhắc cho con dân Chúa nhớ, nền tảng mọi việc làm của con dân Chúa, kể cả đức tin và sự trông cậy, là tình yêu. Mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của con dân Chúa đều là bông trái của tình yêu. Vì tình yêu là bản tính của người được dựng nên mới trong Đấng Christ. Tình yêu đó đến từ Thiên Chúa, giúp cho con dân Chúa thực sự biết yêu như Đức Chúa Trời yêu, như Đấng Christ yêu, như Đức Thánh Linh yêu. Vì thế, sự con dân Chúa tôn vinh, thờ phượng, phụng sự Đức Chúa Trời xuất phát từ tình yêu dành cho Đức Chúa Trời. Sự con dân Chúa làm ra cho chính mình và cho mọi người cũng xuất phát từ tình yêu. Yêu mình như Chúa yêu mình. Yêu người khác như chính mình.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em: Các anh chị em biết nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và họ tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ.

16 Vậy, các anh chị em hãy vâng phục những người như vậy, vâng phục mỗi người cùng làm việc và khó nhọc với chúng tôi.

Câu 15 và 16: Con hiểu rằng, khi Sứ Đồ Phao-lô đọc cho thư ký viết các dòng chữ này thì Sê-pha-na và các đại diện khác của Hội Thánh Cô-rinh-tô đã đến Ê-phê-sô gặp ông. Ông nhắc cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhớ, gia đình Sê-pha-na là gia đình đầu tiên trong xứ A-chai tin nhận Tin Lành. Cả gia đình Sê-pha-na đã cùng với Phao-lô xây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Có lẽ Sê-pha-na cũng là trưởng lão đầu tiên trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô noi gương gia đình Sê-pha-na và vâng phục họ cùng những ai sốt sắng phụng sự Hội Thánh như họ. Vì Chúa đã dùng họ cùng Phao-lô xây dựng Hội Thánh.

17 Tôi vui mừng về sự đến của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ; vì sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp.

18 Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.

Câu 17 và 18: Con hiểu rằng, sau khi Hội Thánh tại Cô-rinh tô nhận được lá thư của Phao-lô, là lá thư được ông gửi cho họ trước thư I Cô-rinh-tô, thì đã cử người mang thư hồi đáp của Hội Thánh đến Ê-phê-sô, trao cho Phao-lô. Có lẽ cả ba người: Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ đều là trưởng lão trong Hội Thánh. Phao-lô vui mừng vì được nghe tường trình trực tiếp từ ba người đó. Lời tường trình của họ sẽ bổ sung những chỗ thiếu sót trong lá thư của Hội Thánh. Thực tế thì bao giờ lời tường trình trực tiếp cũng đầy đủ hơn là lời được viết trong thư. Chính việc được nghe tường trình trực tiếp về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô như vậy đã làm cho Phao-lô được vui và tươi mới trong tâm thần. Khi họ về lại cùng Hội Thánh thì họ sẽ trực tiếp tường trình cho Hội Thánh những gì họ đã nghe, đã thấy từ Phao-lô. Đó cũng sẽ là sự làm cho tươi mới tâm thần của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy nhận biết những người chịu khó, chịu khổ làm dây liên lạc giữa ông và Hội Thánh. Con hiểu rằng, sự nhận biết ở đây hàm ý, nhận biết công khó của họ, sự nguy hiểm họ phải trải qua trong hành trình. Con cảm tạ Cha vì ngày nay Hội Thánh có phương tiện liên lạc trên mạng rất nhanh chóng và thuận tiện. Cho dù cách xa nhau nửa vòng trái đất thì chúng con vẫn có thể nhìn thấy nhau và nghe tiếng nói của nhau.

19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em. A-qui-la và Bê-rít-sin với Hội Thánh trong nhà của họ chào các anh chị em cách nồng nhiệt trong Chúa.

20 Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em. Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh.

21 Lời chào của tôi, Phao-lô, do chính tay tôi viết.

Câu 19-21: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô chuyển lời chào của các Hội Thánh trong xứ A-si đến Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Có lẽ, Phao-lô đã tốn nhiều ngày để viết thư. Có lẽ trong thời gian thư được viết thì con dân Chúa và các trưởng lão từ các Hội Thánh địa phương đã đến thăm ông mỗi ngày. Khi họ biết ông đang viết thư cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì họ đã nhờ ông chuyển lời chào thăm. A-qui-la và Bê-rít-sin lúc ấy đang cư trú tại Ê-phê-sô và đã dùng nhà mình làm một trong các nơi nhóm hiệp của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Rất có thể Phao-lô đang tạm trú tại nhà của họ. Họ và con dân Chúa nhóm trong nhà của họ cũng gửi lời chào Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Hết thảy những người đang ở chung với Phao-lô cũng gửi lời chào con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Phao-lô dùng cách nói “Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh” hàm ý, khi con dân Chúa chào nhau là chào trong tình yêu chân thật đến từ Chúa. Lời chào được chuyển qua thư thì không thể kèm theo “nụ hôn thánh” nhưng được khẳng định là lời chào chân thật, xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Con hiểu rằng, vì mắt yếu nên Phao-lô thường nhờ người làm thư ký, viết thư giùm cho ông. Ông nói ra nội dung của lá thư, và thư ký giúp ông ghi ra giấy. Nhưng ở cuối thư thì Phao-lô thường tự tay viết lời chào và ký tên. Ngoại trừ thư gửi cho Hội Thánh tại Ga-la-ti là do chính tay ông viết, như ông đã xác nhận trong Ga-la-ti 6:11: “Hãy xem! Chữ lớn là dường nào! Tôi đã viết cho các anh chị em bởi chính tay của tôi.”

22 Nếu người nào không yêu Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha! [A-na-them có nghĩa là dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ma-ra-na-tha có nghĩa đen là Chúa của chúng ta đã đến; nghĩa bóng là: Xin Chúa hãy đến và phán xét.]

Câu 22: Con hiểu rằng, đã là con dân của Chúa thì đương nhiên tin và yêu Đức Chúa Jesus. Nhưng thực tế có nhiều người tin sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus nhưng không yêu Ngài bằng yêu những ham thích tội lỗi của họ. Vì thế, họ có nếp sống mà Phao-lô gọi là “thù nghịch thập tự giá”. Những người đó không phải là con dân chân thật của Chúa. Vì họ không thật lòng ăn năn tội. Chúa không hề biết họ, cho dù họ có nhân danh Chúa làm ra nhiều việc. Những người như vậy đáng bị a-na-them, tức là bị Hội Thánh dứt thông công, phó họ cho sự phán xét của Chúa. Con hiểu rằng, Ma-ra-na-tha có nghĩa là: Xin Chúa hãy đến và phán xét!

23 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!

Câu 23: Con hiểu rằng, Phao-lô chúc phước cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô với lời chúc phước ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Ông cầu xin và ông mong rằng, ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với Hội Thánh. Ông dùng danh xưng “Đức Chúa Jesus Christ” để nhấn mạnh đến điều mà Đức Chúa Jesus đã làm cho Hội Thánh, trong chức vụ Christ của Ngài. Ngài là tiên tri của Đức Chúa Trời, giảng dạy về Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, và Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời, dâng chính mạng sống Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người. Ngài dâng lời cầu thay cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngài là vua, cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời, cai trị trong lòng những ai thuộc về Đức Chúa Trời. Đó là các ân điển chính của Đấng Christ ban cho Hội Thánh. Ngoài ra, Đấng Christ còn ban cho Hội Thánh nhiều ân điển khác, như: ban cho sự vinh quang của chính Ngài, được Ngài chữa lành các tật bệnh, được dùng danh của Ngài để trừ quỷ, được dùng danh của Ngài để cầu xin Đức Chúa Trời, và được Ngài ở cùng cho tới khi tận thế.

24 Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. A-men! [Thư này được viết tại Ê-phê-sô, có lẽ do Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ, hoặc Sốt-then chép.]

Câu 24: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô trang trải nỗi lòng của ông đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để họ biết rằng, ông rất yêu thương họ. Lời tỏ bày của ông: “Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus”, có nghĩa là ông yêu mỗi người trong Hội Thánh bằng tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người mình yêu. Và ông hằng thương nhớ họ.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học này. Con cầu xin Cha giúp con luôn có tình yêu của chính Thiên Chúa trong con, để mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của con là bông trái của tình yêu. Xin Cha giúp cho con luôn biết tỉnh thức, luôn đứng vững trong đức tin, luôn can đảm trước mọi nghịch cảnh, và luôn mạnh mẽ sống theo Lời Chúa. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
08/06/2023