Priscilla: I Cô-rinh-tô 9:15-27

5,237 views

Priscilla: I Cô-rinh-tô 9:15-27
Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con, hôm nay, con xin dâng lên Cha sự suy ngẫm Lời Chúa của con trong I Cô-rinh-tô 9:15-27, về quyền lợi và sự hy sinh của Sứ Đồ Phao-lô trong chức vụ.

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

Câu 15: Sứ Đồ Phao-lô không phải muốn viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô để áp đặt con dân Chúa phải chu cấp những nhu cầu vật chất hoặc đóng góp tiền bạc, tiếp trợ cho ông, vì ông có quyền đòi hỏi. Nhưng ông viết để dạy rõ bổn phận của con dân Chúa đối với những người giảng dạy Lời Chúa. Sứ Đồ Phao-lô khoe mình về sự ông rao giảng Lời Chúa cách miễn phí, theo mệnh lệnh của Chúa. Ông thà chết còn hơn là đòi hỏi con dân Chúa tiếp trợ các nhu cầu vật chất cho ông, là điều có thể gây cớ vấp phạm.

16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.

17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

Câu 16 và 17: Sứ Đồ Phao-lô là người được nhìn thấy Đức Chúa Jesus. Ông được Ngài biệt riêng, sai đi rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Nếu Phao-lô trung tín, hết lòng làm tròn thiên chức của ông thì ông sẽ được Chúa ban thưởng. Nếu Phao-lô không vui lòng làm tròn chức vụ rao giảng Tin Lành, thì Chúa vẫn giao phó việc đó cho ông. Nhưng nếu ông không rao giảng Tin Lành thì thật là khốn khổ cho ông. Vì ông sẽ bị Chúa trách phạt. Cho nên Sứ Đồ Phao-lô chẳng có gì để khoe mình về sự giảng Tin Lành của ông. Ông biết rằng, nếu sự rao giảng của ông có kết quả, đem được nhiều người đến với sự cứu rỗi của Thiên Chúa, thì đó là nhờ ơn Chúa ban cho ông. Đó không phải vì ông có tài hùng biện hay bởi sức mình mà đạt được kết quả tốt.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dụng quyền của tôi trong Tin Lành.

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.

Câu 18 và 19: Sứ Đồ Phao-lô nói đến phần thưởng là sự vui mừng hầu việc Chúa, khi ông rao giảng Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Ông chẳng dùng sự giảng dạy Lời Chúa để lạm dụng quyền của ông, tìm kiếm vật chất, làm của riêng cho mình. Dù Sứ Đồ Phao-lô là một người được tự do về mọi phương diện, nhưng ông chọn dấn thân, đặt mình làm nô lệ cho mọi người để phục vụ mọi người. Ông mong rằng, qua sự rao giảng Tin Lành, có thể mang họ đến với sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.

Câu 20: Sứ Đồ Phao-lô muốn sống hòa đồng với những người theo Do-thái Giáo để ông có cơ hội rao giảng Tin Lành, đem lẽ thật đến với họ. Sống giống như một người Do-thái, là vâng giữ theo các luật lệ, phong tục của họ nếu làm như vậy không sai nghịch Lời Chúa. Ông cũng sống giống như một người Do-thái dưới luật pháp, là vâng giữ luật pháp thời Cựu Ước của Môi-se, như việc cắt bì, việc giữ các lễ hội thời Cựu Ước, việc kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước. Nhưng không phải với lý do là để nhận được sự cứu rỗi của Chúa.

21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.

Câu 21: Những người không luật pháp, là những người thuộc các dân ngoại không theo Do-thái Giáo. Phao-lô “trở nên như một người không luật pháp” là ông không vâng giữ mọi nghi thức của luật pháp Môi-se, khi sống giữa những người ngoại. Nhưng ông vẫn vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, không vi phạm luật pháp của Thiên Chúa.

22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.

23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

Câu 22 và 23: Sứ Đồ Phao-lô có lòng cảm thông đối với những con dân Chúa còn mới mẽ trong đức tin, chưa có sự hiểu biết nhiều về Lời Chúa. Ông dùng Lời Chúa để dạy dỗ họ về nếp sống mới để họ lớn mạnh trong Chúa, trở thành môn đồ tốt của Đấng Christ. Với những người ngoại không tin Chúa, thì ông bằng mọi cách, sống hy sinh, chịu khổ trong khi rao giảng Tin Lành, miễn sao có thể đem sự cứu rỗi đến cho nhiều người. Vì thế, Sứ Đồ Phao-lô là người được dự phần trong sự cứu người của Tin Lành.

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.

25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

Câu 24 và 25: Sứ Đồ Phao-lô khuyến khích con dân Chúa hãy sống một đời sống thánh khiết trong Chúa, đắc thắng mọi cám dỗ, như người thắng cuộc trong một cuộc chạy đua, nhận được giải thưởng. Người muốn đoạt được giải thưởng trong cuộc đua thì trước cuộc đua phải tự giữ mình, chịu khó dành thời gian rèn luyện, kiêng ăn uống, tránh làm những việc có thể tổn hại sức khỏe để chuẩn bị cho cuộc đua.

Sứ Đồ Phao-lô nói rõ, những lực sĩ chạy đua chịu khổ, gắng hết sức trong ngày thi đua để được giải thưởng là sự vinh quang của mão sẽ hư nát. Trong khi đó, giải thưởng của con dân Chúa là sự vinh quang đời đời. Vì thế con dân Chúa cũng phải biết tự giữ mình trong mọi sự, sống thánh khiết, kiêng ăn những của cúng thần tượng, không phạm tà dâm, giữ cho thân thể là Đền Thờ của Thiên Chúa không bị ô uế. Vì nếu ai không chịu khổ nổi thì sẽ không được đồng trị với Đấng Christ. Nếu ai không nên thánh thì sẽ không thấy được Đức Chúa Trời. Tức là không nhận được phần thưởng là mão của sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Câu 26 và 27: Phao-lô ví đời sống của ông như là một cuộc chạy đua, như là một cuộc đánh trận. Ông đã chịu khổ, như người lính giỏi của Đấng Christ, sống đắc thắng mọi cám dỗ, đãi thân thể xác thịt của ông cách nghiêm khắc, bắt nó phải vâng phục thần trí. Sứ Đồ Phao-lô đã trung tín chạy xong cuộc đua, đánh xong trận đánh thuộc linh cách tốt lành, hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao phó với nhiều thành quả.

Nguyện xin Cha ban cho con đủ mọi ơn, để con có thể tự giữ mình trong sự gắng sức sống một đời sống đắc thắng trong Đấng Christ. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Priscilla
11/05/2023