Priscilla: I Cô-rinh-tô 14:1-12

7,661 views

Priscilla: I Cô-rinh-tô 14:1-12
Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lên Cha lời tôn vinh và cảm tạ. Vì mỗi ngày, con vẫn được sống trong tình yêu, ân điển, bởi sức toàn năng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Con cầu xin Đức Thánh Linh dẫn con vào trong mọi lẽ thật, trong khi con suy ngẫm Lời Chúa. Con cảm tạ Đức Thánh Linh.

Lạy Cha, hôm nay con xin trình bày sự suy ngẫm của con về I Cô-rinh-tô 14:1-12.

1 Hãy theo đuổi tình yêu nhưng hãy khao khát những sự thiêng liêng! Mà tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri.

Câu 1: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy sốt sắng theo đuổi tình yêu, là sự ban cho cao trọng của Thiên Chúa. Nhưng cũng hãy có lòng ham muốn những sự thiêng liêng của Thiên Chúa. Trong đó, ân tứ nói tiên tri là tốt hơn hết, vì giúp ích cho cả Hội Thánh.

2 Vì người nào nói một ngôn ngữ khác thì không phải nói với loài người, nhưng nói với Đức Chúa Trời. Vì chẳng có ai nghe hiểu khi người ấy nói những sự mầu nhiệm trong thần trí.

Câu 2: Con hiểu rằng, “ngôn ngữ khác” là các loại ngôn ngữ của loài người được Đấng Thần Linh thần cảm cho một người để người ấy nói ra những điều cao trọng của Thiên Chúa và tôn vinh Thiên Chúa. Người nghe sẽ không hiểu nếu chưa từng học qua các ngôn ngữ ấy; hoặc không có được ân tứ thông giải các ngôn ngữ. Vì thế, ân tứ nói các ngôn ngữ không giúp ích, không xây dựng Hội Thánh, mà chỉ xây dựng riêng cho người nói.

3 Nhưng người nói tiên tri thì nói với loài người, để xây dựng, khích lệ, và an ủi.

Câu 3: Con hiểu rằng, người nói tiên tri thì nói trong ngôn ngữ mà người nói và người nghe cùng hiểu. Người nói tiên tri là người Đức Chúa Trời dùng để cáo trách một người, một dân tộc, một Hội Thánh địa phương phạm tội và kêu gọi ăn năn. Hoặc nói ra những sự sâu nhiệm trong Lời Chúa do chính Đức Chúa Trời, Đấng Christ, hay Đức Thánh Linh mạc khải riêng cho người ấy. Sự mạc khải có thể là qua giấc mơ, qua khải tượng, hoặc qua lời phán trực tiếp. Mục đích là để khích lệ và xây dựng sự hiểu biết cùng đức tin cho con dân Chúa. Vì vậy mà ân tứ nói tiên tri là một ân tứ đem lại sự ích lợi chung cho cả Hội Thánh trên nhiều phương diện.

4 Người nói một ngôn ngữ khác tự gây dựng chính mình. Nhưng người nói tiên tri thì gây dựng Hội Thánh.

Câu 4: Con hiểu rằng, vào thời của Sứ Đồ Phao-lô, Hội Thánh chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Lúc bấy giờ, có những người tin Chúa còn yếu đuối, chưa có đủ Lời Chúa để xây dựng đức tin và dự phần trong các mục vụ của Hội Thánh. Vì thế, Đấng Thần Linh đã ban cho họ ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ, là ân tứ thấp nhất trong các ân tứ, để họ tự xây dựng chính mình. Còn đối với những người có đức tin mạnh mẽ, thì Đấng Thần Linh ban cho họ các ân tứ khác để phục vụ Hội Thánh. Ân tứ nói tiên tri là ân tứ cao trọng hơn hết, vì giúp ích nhiều cho Hội Thánh. Ngày nay, Hội Thánh đã có trọn bộ Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước, giúp cho con dân Chúa hiểu rõ và vững tin vào sự cứu chuộc, vững tin địa vị của mình trong Hội Thánh.

5 Tôi mong cho các anh chị em đều nói được các ngôn ngữ, nhưng tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri. Vì người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ; trừ khi người ấy giải nghĩa để cho Hội Thánh được sự gây dựng.

Câu 5: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô mong cho con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô ai nấy cũng đều nhận được ân tứ nói các ngôn ngữ để ai nấy cũng được sự xây dựng riêng. Nhưng tốt hơn hết, ông mong muốn cho họ được ân tứ nói tiên tri, vì người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ. Những lời của người nói tiên tri được Hội Thánh nghe và hiểu, giúp ích cho sự xây dựng Hội Thánh. Trong khi đó, Hội Thánh không hiểu những lời của người nói các ngôn ngữ, nên những lời ấy không xây dựng cho Hội Thánh. Trừ khi người nói các ngôn ngữ có thể thông giải cho Hội Thánh hiểu những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời mà họ nói trong các ngôn ngữ đó.

6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nếu tôi đến với các anh chị em, nói các thứ ngôn ngữ, thì tôi sẽ giúp ích gì cho các anh chị em? Trừ khi tôi nói với các anh chị em hoặc là trong sự mạc khải, hoặc là trong sự hiểu biết, hoặc là trong lời tiên tri, hoặc là trong giáo lý?

Câu 6: Sứ Đồ Phao-lô hỏi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô rằng, nếu ông đến với họ bằng các ngôn ngữ mà họ không thể hiểu, thì điều đó có ích lợi gì cho họ. Trừ khi ông nói cho họ về những sự Đức Chúa Trời tỏ cho ông, qua chiêm bao, trong khải tượng, hoặc trong thần trí của ông. Tức là những sự hiểu biết những sự mầu nhiệm về Lời của Đức Chúa Trời để gây dựng đức tin cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

7 Ngay cả những vật không có sự sống phát ra tiếng, hoặc ống tiêu hoặc hạc cầm, trừ khi chúng phát ra các âm thanh khác biệt, thì làm thế nào nhận biết được ống tiêu hay là hạc cầm?

8 Và nếu kèn phát ra một âm thanh không xác định, thì ai sẽ chuẩn bị mà ra trận?

Câu 7 và 8: Sứ Đồ Phao-lô đưa ra ví dụ về những nhạc cụ không có sự sống như ống tiêu và hạc cầm là hai loại nhạc cụ phát ra âm thanh khác biệt; và người nghe có thể phân biệt được âm thanh nào là do thổi từ ống tiêu, âm thanh nào là do khảy từ hạc cầm. Nhưng nếu người thổi kèn thổi ra âm thanh không đúng theo quy luật thì quân lính sẽ hoang mang không biết phải hành động như thế nào. Vì thế, tiếng nói của con dân Chúa cũng phải đem lại ích lợi cho người nghe.

9 Các anh chị em cũng vậy, trừ khi các anh chị em nói bởi một ngôn ngữ những lời hiểu được, thì làm sao người nghe biết được những gì đã nói? Vì các anh chị em sẽ chỉ nói vào trong không khí. [Hàm ý: lời nói không đi vào trong sự nhận thức của người nghe, vì người nghe không hiểu.]

Câu 9: Con hiểu rằng, khi con dân Chúa nói cho loài người nghe, thì phải nói bằng một ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu được. Nếu không, thì người nghe sẽ chẳng hiểu được những gì mà con dân Chúa muốn nói. Như vậy chỉ là vô ích, chẳng khác nào lời nói chỉ theo gió bay đi, thay vì đi vào tâm trí của người nghe.

10 Có rất nhiều thứ tiếng trong thế gian mà không thứ nào không có ý nghĩa.

11 Vậy, nếu tôi chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, tôi sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với tôi.

Câu 10 và 11: Con hiểu rằng, các ngôn ngữ trong thế gian đều có ý nghĩa, nhưng đối với người không hiểu ý nghĩa của một ngôn ngữ nào đó, thì người ấy sẽ xem người nói ngôn ngữ ấy như là người thuộc một dân tộc man rợ, kém văn minh. Cũng vậy, người nói ngôn ngữ ấy cũng xem người nghe mà không hiểu ngôn ngữ của mình là người man rợ, kém văn minh.

12 Và như vậy, hỡi các anh chị em! Vì các anh chị em sốt sắng về sự thiêng liêng thì các anh chị em hãy tìm kiếm, để các anh chị em vượt trội về sự gây dựng Hội Thánh.

Câu 12: Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy sốt sắng tìm kiếm những sự thiêng liêng của Thiên Chúa. Con hiểu rằng, sự tìm kiếm được nói đến ở đây là mỗi người đến với Đức Chúa Trời, cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời tỏ ra cho biết, Ngài muốn mình làm gì trong công cuộc gây dựng Hội Thánh. Khi biết được ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho mình phải làm gì thì con dân Chúa sẽ nhận biết ân tứ mà Đức Thánh Linh đã ban cho mình.

Con cảm tạ Cha về bài học này. Nguyện xin Cha ban cho mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh biết gắng sức theo đuổi tình yêu, và có sự khao khát, nóng cháy về những sự thiêng liêng của Thiên Chúa để cả Hội Thánh được sự ích lợi. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Priscilla
26/05/2023