Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 15:01-21 Hội Nghị Đầu Tiên của Hội Thánh

1,125 views

YouTube: https://youtu.be/1K32qVdspig

44037 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1-21
Hội Nghị Đầu Tiên của Hội Thánh

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1-21

1 Có mấy người từ xứ Giu-đê xuống, đã dạy các anh chị em cùng Cha rằng: Nếu chẳng chịu cắt bì theo nghi thức của Môi-se thì các ngươi không thể được cứu rỗi.

2 Vì thế, đã xảy ra cuộc phản kháng và tranh luận không nhỏ giữa Phao-lô và Ba-na-ba với họ. Hội Thánh đã chỉ định Phao-lô và Ba-na-ba cùng vài người khác trong Hội Thánh, đi lên đến Giê-ru-sa-lem, đến với các sứ đồ và các trưởng lão về vấn đề này.

3 Vậy, thực tế, đã được Hội Thánh sai đi, họ đã trải qua Phê-ni-xi và Sa-ma-ri; thuật lại sự cải biến của các dân ngoại; và đã làm ra sự vui mừng lớn cho hết thảy các anh chị em cùng Cha.

4 Họ đã vào đến Giê-ru-sa-lem, được Hội Thánh, các sứ đồ, và các trưởng lão tiếp đón. Họ đã thuật lại mọi sự Đức Chúa Trời đã làm giữa họ.

5 Nhưng có mấy người đã tin kia, thuộc phái Pha-ri-si, đã đứng dậy, nói rằng, phải cắt bì cho họ và truyền họ phải giữ luật pháp của Môi-se.

6 Các sứ đồ và các trưởng lão đã triệu tập cuộc họp để xem xét về việc đó.

7 Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Phi-e-rơ đã đứng dậy, nói với họ: Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em hãy biết rằng, từ những ngày đầu, Đức Chúa Trời đã chọn tôi giữa chúng ta, để cho các dân ngoại bởi miệng của tôi được nghe Lời của Tin Lành và tin.

8 Đức Chúa Trời là Đấng Biết Tấm Lòng, đã làm chứng cho họ, ban Đức Thánh Linh cho họ như cho chúng ta.

9 Ngài chẳng phân biệt giữa chúng ta với họ. Ngài đã thanh tẩy lòng họ bởi đức tin.

10 Vậy, bây giờ, sao các anh chị em thử Đức Chúa Trời; gán trên cổ của các môn đồ cái ách mà các tổ phụ của chúng ta hoặc chúng ta cũng không thể mang nổi?

11 Trái lại, bởi ân điển của Đức Chúa Jesus, chúng ta tin, được cứu. Họ cũng được cứu theo cùng một cách đó.

12 Hết thảy trong đám đông đã giữ im lặng, nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại bao nhiêu những dấu kỳ và những phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm ra giữa các dân ngoại, qua họ.

13 Khi họ đã im lặng, Gia-cơ đáp lời, nói: Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy nghe tôi!

14 Si-môn đã thuật lại rằng, Đức Chúa Trời đã trước hết thăm viếng các dân ngoại, để từ đó lấy ra một dân cho danh của Ngài.

15 Điều đó đúng với những lời của các tiên tri, như đã chép:

16 Sau những sự này, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây lại lều của Đa-vít đã bị đổ nát. Ta sẽ xây lại sự hoang tàn của nó và Ta sẽ dựng nó lên.

17 Để những người sót lại có thể tìm kiếm Chúa cùng hết thảy các dân ngoại, những người đã cầu khẩn nơi danh của Ta. Chúa, Đấng làm nên hết thảy những sự này, phán vậy. [A-mốt 9:11-12]

18 Đức Chúa Trời đã biết từ trước vô cùng những việc làm của Ngài.

19 Vậy, tôi phán quyết, đừng làm phiền những người từ các dân ngoại đã quay về cùng Đức Chúa Trời.

20 Nhưng hãy viết cho họ kiêng giữ khỏi sự ô uế của các thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu.

21 Vì từ các thế hệ xưa, trong mỗi thành vẫn có những người giảng về Môi-se; đọc về ông trong các nhà hội mỗi một ngày Sa-bát.

Chúng ta đã học trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19-30 [1] rằng, Hội Thánh tại An-ti-ốt, xứ Si-ri là Hội Thánh đầu tiên giữa vòng các dân ngoại. Hội Thánh đã được thành lập khi một số con dân Chúa người I-sơ-ra-ên, quê ở Chíp-rơ và Si-ren, đến giảng Tin Lành cho những người dân ngoại tại đó, khiến cho có nhiều người dân ngoại tin nhận Tin Lành. Ba-na-ba đã được Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem sai đến thăm và khích lệ con dân Chúa tại An-ti-ốt. Sau đó, Ba-na-ba đã đến Tạt-sơ, tìm Phao-lô, khi ấy đang được gọi là Sau-lơ, mời ông về An-ti-ốt, rồi hai ông cùng nhau chăm sóc Hội Thánh tại An-ti-ốt, suốt một năm. Cũng tại An-ti-ốt, con dân Chúa bắt đầu được gọi bằng danh xưng Cơ-đốc nhân.

Chúng ta cũng đã học trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3 rằng, trong một buổi nhóm của Hội Thánh, Đức Thánh Linh đã phán bảo Hội Thánh biệt riêng Ba-na-ba và Phao-lô cho công việc truyền giáo. Liền sau đó, Phao-lô và Ba-na-ba đã lên đường, làm cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Sau khi kết thúc cuộc hành trình truyền giáo, hai ông đã về lại thành An-ti-ốt, xứ Si-ri, và ở lại đó, tiếp tục mục vụ chăm sóc Hội Thánh trong khoảng thời gian gần ba năm, từ mùa thu năm 46 tới cuối mùa hè năm 49 [2].

Vào khoảng cuối mùa hè năm 49, có một số con dân Chúa gốc Do-thái Giáo đã từ xứ Giu-đê, đến An-ti-ốt, và dạy cho con dân Chúa tại đó về việc phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Sự kiện này đã khiến cho Phao-lô và Ba-na-ba phản kháng các người đó. Hội Thánh đã cử người theo Phao-lô và Ba-na-ba về Giê-ru-sa-lem, để xin ý kiến của các sứ đồ và các trưởng lão về sự việc này.

Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1-21 ghi lại diễn tiến của sự việc và kết quả cuộc hội nghị của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.

1 Có mấy người từ xứ Giu-đê xuống, đã dạy các anh chị em cùng Cha rằng: Nếu chẳng chịu cắt bì theo nghi thức của Môi-se thì các ngươi không thể được cứu rỗi.

Vào thời điểm sự việc này xảy ra, đã hơn 22 năm trôi qua, kể từ khi Đấng Christ thăng thiên. Trong suốt một khoảng thời gian tương đối dài đó, so với đời người, có nhiều môn đồ của Đấng Christ, gốc Do-thái Giáo, vẫn chưa hiểu rõ về ý nghĩa và sức mạnh cứu rỗi của Tin Lành.

Ý nghĩa của Tin Lành là Đấng Christ gánh thay hình phạt của sự phạm tội cho toàn thể nhân loại, để Đức Chúa Trời có thể ban ơn tha thứ cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Sức mạnh cứu rỗi của Tin Lành là cứu mọi kẻ tin, trước là người I-sơ-ra-ên, sau là người thuộc các dân ngoại (Rô-ma 1:16).

Sự cứu rỗi của Tin Lành không hề liên quan đến bất cứ một nghi thức nào trong luật pháp của Thiên Chúa, được ban hành qua Môi-se.

Nghi thức dâng sinh tế làm của lễ chuộc tội theo luật pháp thời Cựu Ước nói trước ý nghĩa sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thể hiện đức tin và sự vâng phục của người tin nhận ơn cứu rỗi được hứa bởi Đức Chúa Trời, khi Đấng Christ chưa hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người. Nhưng một người không cần thực hiện nghi thức đó để được cứu rỗi, mà chỉ cần thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Nghi thức cắt bì tiêu biểu cho sự bằng lòng từ bỏ sự tiêm nhiễm tội, để được Thiên Chúa thánh hóa. Nghi thức ấy nói trước ý nghĩa sự thánh hóa do chính Đấng Christ làm ra cho người nào thật lòng ăn năn tội, được Đức Thánh Linh gọi là sự cắt bì của Đấng Christ:

Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Nghi thức cắt bì trên thân thể xác thịt hoàn toàn không liên quan gì đến sự cứu rỗi. Vì sự cứu rỗi là sự được Đức Chúa Trời xưng là công chính. Mà Đức Chúa Trời là Đấng xưng công chính người chịu cắt bì lẫn người không chịu cắt bì, nếu họ có đức tin vào sự cứu rỗi của Ngài:

Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công chính bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công chính bởi đức tin nữa.” (Rô-ma 3:30).

Đức tin thể hiện bởi sự vâng phục Thiên Chúa, qua sự vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Ngài, chứ không phải qua các nghi thức nói trước về ý nghĩa của Tin Lành Cứu Rỗi.

Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Nghi thức cắt bì là quan trọng trong thời điểm Đấng Christ chưa hoàn thành sự chết chuộc tội. Nó giúp thể hiện quyết tâm muốn từ bỏ tội và đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì thế, nó được thi hành trong thời Cựu Ước, tương tự như nghi thức dâng sinh tế chuộc tội. Nhưng sau khi Đấng Christ đã hoàn thành sự chết chuộc tội thì các nghi thức tiên tri về Tin Lành Cứu Rỗi không cần được thi hành nữa. Điều quan trọng là sự thi hành các nghi thức ấy không bao giờ là điều kiện để một người được cứu rỗi. Sự cứu rỗi được Đức Chúa Trời ban cho những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Những người giảng dạy rằng, phải thi hành nghi thức này hoặc nghi thức nọ thời Cựu Ước để được cứu rỗi đã không thấy sự mâu thuẫn trong lời dạy của họ. Nếu một người phải làm các nghi thức đó để được cứu rỗi thì cần gì Đấng Christ chịu chết để chuộc tội cho loài người? Nếu sự chết của Đấng Christ đủ để chuộc tội cho loài người thì tại sao người tin nhận Đấng Christ phải làm thêm các nghi thức vốn không hề cứu rỗi được ai?

Ngày nay, vẫn có những người giảng dạy rằng: con dân Chúa phải giữ bảy ngày lễ hội thời Cựu Ước; con dân Chúa phải kiêng các thức ăn bị cho là không tinh sạch trong thời Cựu Ước; con dân Chúa phải gọi danh Chúa theo cách phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ; con dân Chúa phải biết lắp ba lắp bắp các âm thanh vô nghĩa, gọi là “nói tiếng lạ”; con dân Chúa phải gia nhập vào một tổ chức giáo hội nào đó… Tất cả những sự giảng dạy đó đều không đúng Thánh Kinh, đều là tà giáo. Con dân Chúa cần phải tránh xa.

2 Vì thế, đã xảy ra cuộc phản kháng và tranh luận không nhỏ giữa Phao-lô và Ba-na-ba với họ. Hội Thánh đã chỉ định Phao-lô và Ba-na-ba cùng vài người khác trong Hội Thánh, đi lên đến Giê-ru-sa-lem, đến với các sứ đồ và các trưởng lão về vấn đề này.

Động từ “phản kháng” (G4714) có nghĩa là đứng lên để chống trả sự áp đặt.

Động từ “tranh luận” (G4803) có nghĩa là tra hỏi, biện luận, và phản biện lẫn nhau về một vấn đề.

Trước sự áp đặt sai trật lẽ thật trên con dân Chúa tại An-ti-ốt bởi các môn đồ có gốc Do-thái Giáo, từ xứ Giu-đê, Phao-lô và Ba-na-ba đã tích cực phản kháng họ và tranh luận với họ. Sự phản kháng và tranh luận đương nhiên đã xảy ra trước Hội Thánh, nên con dân Chúa tại An-ti-ốt đã đi đến quyết định tìm cầu ý kiến từ các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem. Vì thế, họ đã cử ra mấy người trong Hội Thánh, có lẽ là các trưởng lão, cùng đi với Phao-lô và Ba-na-ba về Giê-ru-sa-lem.

Quyết định của Hội Thánh tại An-ti-ốt vào lúc ấy là phải lẽ. Vì vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến sự cứu rỗi, cần phải được sự xác nhận của các sứ đồ của Chúa và các trưởng lão ban đầu của Hội Thánh. Chúng ta nên nhớ, vào lúc ấy, Thánh Kinh Tân Ước chưa được hoàn thành, nên con dân Chúa tại An-ti-ốt đã không có nền tảng rõ ràng để dựa vào đó mà nhận định vấn đề. Ngày nay, con dân Chúa khắp nơi đã có trọn vẹn Lời Chúa để làm nền tảng xem xét, nhận định mọi sự. Vì thế, không cần phải có một hội nghị nào của Hội Thánh để giải quyết bất cứ một nghi vấn nào về bất cứ một sự giảng dạy nào. Khi chúng ta có nghi vấn về bất cứ sự giảng dạy nào, chúng ta chỉ cần đến với Thánh Kinh, cầu nguyện, xin Đức Thánh Linh dùng Lời Chúa soi dẫn cho chúng ta. Đức Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa.

Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật. Vì Ngài sẽ không tự mình nói, nhưng mọi điều Ngài đã nghe thì Ngài sẽ nói, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những sự xảy đến.” (Giăng 16:13).

Điều quan trọng là chúng ta có đọc, có suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo, như mệnh lệnh Ngài đã phán truyền, được ghi lại trong Giô-suê 1:8, hay không? Chúng ta có khao khát Lời Chúa và tôn Lời Chúa cao hơn cả danh Chúa hay không? Vì chính Chúa đã làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn cả danh của Ngài (Thi Thiên 138:2). Danh của Chúa là cao quý, đáng được tôn vinh. Nhưng Lời Chúa là ý muốn của Chúa còn đáng được tôn vinh hơn. Vì chỉ khi chúng ta tôn quý Lời Chúa thì chúng ta mới có thể tôn quý danh Chúa. Biết bao nhiêu người môi miệng thì luôn tôn cao danh Chúa nhưng thực tế thì họ không hề sống theo Lời Chúa.

3 Vậy, thực tế, đã được Hội Thánh sai đi, họ đã trải qua Phê-ni-xi và Sa-ma-ri; thuật lại sự cải biến của các dân ngoại; và đã làm ra sự vui mừng lớn cho hết thảy các anh chị em cùng Cha.

Có thể phái đoàn của Hội Thánh tại An-ti-ốt, xứ Si-ri đã đi đường bộ về Giê-ru-sa-lem. Nếu đi đường biển thì họ có thể xuống tàu tại Sê-sa-rê mà không cần trải qua xứ Phê-ni-xi. Trên đường đi, khi trải qua các xứ Phê-ni-xi và Sa-ma-ri, họ đã dừng chân tại các nơi có Hội Thánh của Chúa để thuật lại sự các dân ngoại đã tin nhận Tin Lành như thế nào. Lời chứng của họ đã làm cho hết thảy con dân Chúa người I-sơ-ra-ên và người Sa-ma-ri tại hai xứ đó đều được vui mừng lớn.

Sự cải biến” có nghĩa là sự thay đổi đức tin hay niềm tin, được dùng trong Thánh Kinh để chỉ sự thay đổi đức tin, từ chỗ tin cậy tà thần và mê tín dị đoan sang tin cậy Thiên Chúa và Tin Lành của Ngài.

Lời chứng về tình yêu và ân điển của Chúa bao giờ cũng đem lại sự vui mừng cho các con dân Chúa. Đó cũng là sự tôn vinh danh Chúa.

4 Họ đã vào đến Giê-ru-sa-lem, được Hội Thánh, các sứ đồ, và các trưởng lão tiếp đón. Họ đã thuật lại mọi sự Đức Chúa Trời đã làm giữa họ.

5 Nhưng có mấy người đã tin kia, thuộc phái Pha-ri-si, đã đứng dậy, nói rằng, phải cắt bì cho họ và truyền họ phải giữ luật pháp của Môi-se.

Khi đã đến Giê-ru-sa-lem, phái đoàn của Hội Thánh tại An-ti-ốt đã được các sứ đồ, các trưởng lão, và các anh chị em khác trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem tiếp đón. Họ đã thuật lại cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem về mọi sự Đức Chúa Trời đã làm giữa Hội Thánh, tại An-ti-ốt. Tuy nhiên, sau khi nghe xong lời làm chứng của phái đoàn, đã có mấy môn đồ gốc Pha-ri-si trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đứng lên, nói rằng, phải cắt bì cho những con dân Chúa tại An-ti-ốt, và truyền cho họ phải giữ luật pháp của Môi-se. “Luật pháp của Môi-se” là cách nói tắt: luật pháp của Chúa do Môi-se ghi chép lại.

Chúng ta có thể hiểu là không phải cùng một lúc nhiều người đứng lên nói, mà là một người đứng lên nói và các người khác đồng ý. Chúng ta không biết là phái đoàn của Hội Thánh tại An-ti-ốt đã kịp trình bày sự việc có mấy người môn đồ từ Giu-đê đến, cũng đã dạy rằng, con dân Chúa tại An-ti-ốt phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi, hay chưa.

6 Các sứ đồ và các trưởng lão đã triệu tập cuộc họp để xem xét về việc đó.

7 Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Phi-e-rơ đã đứng dậy, nói với họ: Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em hãy biết rằng, từ những ngày đầu, Đức Chúa Trời đã chọn tôi giữa chúng ta, để cho các dân ngoại bởi miệng của tôi được nghe Lời của Tin Lành và tin.

Sau khi mấy người Pha-ri-si phát biểu thì các sứ đồ và các trưởng lão đã triệu tập một cuộc họp để xem xét vấn đề được nêu ra. Có nghĩa là các sứ đồ và các trưởng lão đã họp con dân Chúa trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem cùng với phái đoàn đến từ An-ti-ốt, để giải quyết vấn đề.

Câu “Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận” hàm ý, trong buổi họp có người bênh vực ý kiến của mấy người Pha-ri-si, cũng có người chống lại ý kiến ấy. Ai nấy đều được tự do phát biểu ý kiến của mình, truy vấn, bác bỏ ý kiến và lý luận của người khác.

Sau cùng, Phi-e-rơ, có lẽ với tư cách là người đứng đầu các sứ đồ, cũng là người được Chúa giao cho chức vụ chăn dắt Hội Thánh, đã đứng lên, phát biểu. Phi-e-rơ nhắc lại một sự kiện hiển nhiên, đó là chính Chúa đã dùng ông để đem Tin Lành đến cho những người dân ngoại, qua khải tượng Chúa ban cho ông, dẫn đến sự ông giảng Tin Lành cho gia đình Cọt-nây.

Phi-e-rơ là người chăn bầy đầu tiên do chính Chúa đích thân kêu gọi, trong thân thể xác thịt phục sinh của Ngài. Vì thế, rất hợp tình và hợp lý để chính ông cũng là người đầu tiên rao giảng Tin Lành cho những người không phải dân I-sơ-ra-ên, đem họ vào trong bầy chiên của Chúa là Hội Thánh, do ông thay Ngài chăn dắt.

Lời của Tin Lành” là tất cả những lời rao giảng về Tin Lành.

8 Đức Chúa Trời là Đấng Biết Tấm Lòng, đã làm chứng cho họ, ban Đức Thánh Linh cho họ như cho chúng ta.

9 Ngài chẳng phân biệt giữa chúng ta với họ. Ngài đã thanh tẩy lòng họ bởi đức tin.

Đấng Biết Tấm Lòng” (G2589) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ là một chữ, được dùng hai lần trong Tân Ước. Lần đầu là Công Vụ Các Sứ Đồ 1:24, theo nghĩa: Chúa là Đấng biết tấm lòng của mọi người. Lần thứ nhì được dùng tại đây, Công Vụ Các Sứ Đồ 15:8, như là một danh hiệu: Đấng Biết Tấm Lòng.

Đức Chúa Trời là Đấng Biết Tấm Lòng nên Ngài biết tấm lòng của con dân Chúa người ngoại, rằng họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Vì thế, Ngài đã làm chứng cho tấm lòng của họ, bằng sự Ngài đã ban cho họ Đức Thánh Linh, như Ngài đã ban cho những con dân Chúa người I-sơ-ra-ên. Mặc dù những người I-sơ-ra-ên đã cắt bì; còn những người thuộc các dân ngoại thì không cắt bì.

Điều đó đã chứng tỏ một cách rõ ràng là Đức Chúa Trời không hề phân biệt người cắt bì với người không cắt bì, dân I-sơ-ra-ên với các dân khác; mà Ngài chỉ cần mỗi người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Chính đức tin vào trong Tin Lành khiến cho một người được tha tội, được thánh hóa, được phục hồi địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, được ban cho cơ hội sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

10 Vậy, bây giờ, sao các anh chị em thử Đức Chúa Trời; gán trên cổ của các môn đồ cái ách mà các tổ phụ của chúng ta hoặc chúng ta cũng không thể mang nổi?

Phi-e-rơ hỏi mọi người, nếu Đức Chúa Trời đã không hề có sự phân biệt giữa người cắt bì với người không cắt bì thì tại sao có người lại muốn thử Đức Chúa Trời?

Động từ “thử” (G3985) trong nguyên ngữ Hy-lạp vừa mang nghĩa cám dỗ vừa mang nghĩa thử thách. Cám dỗ là xui khiến ai đó phạm tội. Thử thách là đưa ra cơ hội để ai đó thể hiện bản tính, phẩm chất thật của người ấy. Cùng một sự việc có thể vừa là cám dỗ vừa là thử thách. Trong câu chuyện Sa-tan tấn công ông Gióp thì Sa-tan cám dỗ ông phạm tội; nhưng Đức Chúa Trời dùng sự cám dỗ của Sa-tan để thử thách ông, khiến ông thể hiện đức tin và sự trung tín của ông đối với Chúa.

Không ai có thể cám dỗ Đức Chúa Trời, vì không một sự ác nào có thể tác động đến Ngài; và Đức Chúa Trời cũng không cám dỗ ai (Gia-cơ 1:13). Nhưng loài người có thể phạm tội thử Chúa, khi họ không tin Ngài, như dân I-sơ-ra-ên đã nhiều lần thử Chúa trong đồng vắng và cuối cùng phải gánh họa diệt thân.

Ý của Phi-e-rơ là Đức Chúa Trời đã không phân biệt người cắt bì với người không cắt bì, ban sự cứu rỗi cho cả hai, dựa trên đức tin của họ. Nếu ai buộc người không cắt bì phải cắt bì để được cứu rỗi, thì người đó đã “thử” Đức Chúa Trời, đã không tin vào sự Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho người không cắt bì. Ngoài ra, khi buộc những môn đồ thuộc các dân ngoại phải vâng giữ các luật lệ trong Sách Luật Pháp do Môi-se ghi chép, hàm ý, vâng giữ các luật lệ về nghi thức thờ phượng và nghi thức chuộc tội, là đặt gánh nặng không cần thiết trên họ.

Trước hết, sự thi hành các nghi thức ấy không hề đem sự cứu rỗi đến cho ai. Nếu nhờ thi hành các nghi thức ấy mà một người được cứu rỗi thì Đấng Christ không cần phải chết để cứu chuộc nhân loại.

Kế tiếp, người đã được Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi không cần làm gì khác, ngoài sự cứ ở lại trong sự cứu rỗi Đức Chúa Trời đã ban cho mình. Tức là cứ thật lòng ngưng phạm các điều răn của Đức Chúa Trời và cứ thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Sau cùng, sự thi hành các nghi thức không cần thiết chỉ là thêm gánh nặng vô ích. Vào thời Cựu Ước, dân I-sơ-ra-ên phải thi hành các nghi thức ấy để thể hiện đức tin vào sự cứu rỗi Đức Chúa Trời đã hứa. Trong thời Tân Ước, ý nghĩa các nghi thức ấy đã được Đấng Christ hoàn thành nên con dân Chúa không cần phải thi hành các nghi thức ấy. Dĩ nhiên, ai muốn cắt bì vì lý do y học cần thiết; hoặc ai muốn giữ các ngày lễ hội để hướng lòng về các ơn phước Chúa ban và các sự Chúa sẽ làm ra; hoặc ai tránh ăn một số thịt từng bị xem là không tinh sạch vì không hợp với khẩu vị hay cơ thể của mình thì không có gì sai trái. Miễn là đừng xem việc làm như vậy là điều kiện để được sự cứu rỗi.

11 Trái lại, bởi ân điển của Đức Chúa Jesus, chúng ta tin, được cứu. Họ cũng được cứu theo cùng một cách đó.

Trái lại” là trái với quan điểm cho rằng, phải cắt bì hoặc giữ các nghi thức luật pháp để được cứu rỗi.

Phi-e-rơ khẳng định: Một người được cứu rỗi là bởi ân điển của Đấng Christ, tức là bởi sự Đức Chúa Jesus chịu chết để gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người; và bởi người ấy có đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Ngài. Người I-sơ-ra-ên hay người thuộc các dân khác cũng đều được cứu rỗi bằng cùng một cách như nhau.

12 Hết thảy trong đám đông đã giữ im lặng, nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại bao nhiêu những dấu kỳ và những phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm ra giữa các dân ngoại, qua họ.

Tiếp theo lời khẳng định của Phi-e-rơ, thì Ba-na-ba và Phao-lô đã thuật lại cho Hội Thánh nghe những dấu kỳ và phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm ra giữa các dân ngoại. Lời chứng của Ba-na-ba và Phao-lô cho thấy, Đức Chúa Trời không hề có sự phân biệt giữa những môn đồ thuộc các dân ngoại với những môn đồ thuộc dân I-sơ-ra-ên. Và như vậy, rõ ràng là sự không cắt bì hay sự không giữ các nghi thức trong luật pháp chẳng ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi và mọi ơn phước Chúa đã ban cho con dân Chúa trong các dân ngoại.

13 Khi họ đã im lặng, Gia-cơ đáp lời, nói: Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy nghe tôi!

14 Si-môn đã thuật lại rằng, Đức Chúa Trời đã trước hết thăm viếng các dân ngoại, để từ đó lấy ra một dân cho danh của Ngài.

15 Điều đó đúng với những lời của các tiên tri, như đã chép:

Sau khi đã nghe Ba-na-ba và Phao-lô làm chứng thì cả Hội Thánh đều im lặng. Vì không ai có lời lẽ nào để có thể phản bác các chứng cớ mà Phao-lô và Ba-na-ba đã thuật lại. Gia-cơ, em của Chúa, đang là giám mục trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, đã lên tiếng. Ông nhắc lại sự kiện Phi-e-rơ đã được Đức Chúa Trời dùng để đem Tin Lành đến cho các dân ngoại, làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Thánh Kinh. Gia-cơ đã trích dẫn A-mốt 9:11-12.

16 Sau những sự này, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây lại lều của Đa-vít đã bị đổ nát. Ta sẽ xây lại sự hoang tàn của nó và Ta sẽ dựng nó lên.

17 Để những người sót lại có thể tìm kiếm Chúa cùng hết thảy các dân ngoại, những người đã cầu khẩn nơi danh của Ta. Chúa, Đấng làm nên hết thảy những sự này, phán vậy. [A-mốt 9:11-12]

Chúng ta cần hiểu rằng, vào thời ấy, Thánh Kinh được chép vào trong một cuộn giấy lớn, chưa được chia thành đoạn và câu như ngày nay. Con dân Chúa chỉ nghe đọc Thánh Kinh vào mỗi ngày Sa-bát mà ghi nhớ, thuộc lòng. Khi cần thì trích dẫn Lời Chúa từ trong trí nhớ. Phần lớn của sự trích dẫn là trích dẫn ý của câu Thánh Kinh hơn là trích dẫn từng chữ. Ngay cả khi trích dẫn câu văn thì cũng là trích dẫn từ Bản Dịch 70 [3], là Thánh Kinh được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp. Đó là bản dịch Thánh Kinh được Đức Chúa Jesus và con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu sử dụng.

Sau những sự này” là sau sự dân I-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời phán xét trong Kỳ Tận Thế.

Lều của Đa-vít” là triều đình của Đa-vít. Vương quyền của Đa-vít trên dân I-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi, như đã được tiên tri trong Thánh Kinh.

Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một người chăn. Chúng nó sẽ bước đi trong các mệnh lệnh của Ta. Chúng nó sẽ vâng giữ các luật lệ của Ta và làm theo. Chúng nó sẽ ở trong đất mà Ta đã ban cho Gia-cốp, tôi tớ của Ta, nơi các tổ phụ của các ngươi đã ở. Chúng nó sẽ ở tại đó; chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó, cho đến mãi mãi. Đa-vít, tôi tớ của Ta sẽ là vua của chúng nó đời đời.” (Ê-xê-chi-ên 37:24-25).

Sau đó, con cái I-sơ-ra-ên sẽ trở lại tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Thiên Chúa của chúng nó, và Đa-vít vua của chúng nó; và sẽ kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và sự từ ái của Ngài trong những ngày sau cùng.” (Ô-sê 3:5).

Những người sót lại” là những người còn sống sau Kỳ Tận Thế, bao gồm cả những người dân ngoại đã tin Chúa và kêu cầu danh Ngài trong Kỳ Tận Thế.

18 Đức Chúa Trời đã biết từ trước vô cùng những việc làm của Ngài.

19 Vậy, tôi phán quyết, đừng làm phiền những người từ các dân ngoại đã quay về cùng Đức Chúa Trời.

20 Nhưng hãy viết cho họ kiêng giữ khỏi sự ô uế của các thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu.

Đức Chúa Trời là Thiên Chúa toàn năng (làm được mọi sự) và toàn tri (biết mọi sự) nên đương nhiên Ngài làm được mọi sự Ngài muốn; và từ trước vô cùng, Ngài đã biết những việc làm của Ngài.

Gia-cơ, trong tư cách giám mục, đã đúc kết sự việc như sau: Đừng làm phiền những người từ các dân ngoại đã quay về cùng Đức Chúa Trời. Có nghĩa là đừng buộc họ phải cắt bì, đừng buộc họ phải thi hành các nghi thức trong luật pháp.

Nhưng cần viết thư nhắc và khuyên con dân Chúa thuộc các dân ngoại ba điều:

  • Kiêng giữ khỏi sự ô uế của các thần tượng. Nghĩa là không ăn của cúng các thần tượng, như được giải thích trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29.

  • Kiêng giữ khỏi sự tà dâm. Nghĩa là không có ý muốn hoặc hành động quan hệ tình dục với bất cứ ai không phải là chồng hay vợ của mình.

  • Kiêng giữ khỏi sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu. Nghĩa là không ăn thịt các loài thú bị chết bệnh, bị chết bẫy, bị chết vì tai nạn. Cũng không ăn máu của bất cứ loài thú nào.

Sự kiêng giữ khỏi sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu chỉ giới hạn trong các loài chim và thú, là các loài thường được dâng làm sinh tế lên Thiên Chúa. Sự sống của chúng có thể tạm thời chuộc tội cho người có tội trong thời Cựu Ước, trước khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, đổ máu trên thập tự giá, để hoàn thành sự chuộc tội một lần đủ cả cho loài người. Dựa vào Lê-vi Ký 7:26-27 và Lê-vi Ký 17:11, chúng ta hiểu rằng, luật cấm ăn máu và thú vật chết ngạt không áp dụng cho các loài thủy sản có máu, vì máu của chúng không được dùng làm của lễ chuộc tội. Trong thực tế, phần lớn các loài thủy sản thường chết ngạt, sau khi bị đem ra khỏi nước, bày bán nơi chợ. Riêng về các loại trứng lộn thì con dân Chúa không nên ăn những trứng đã thành con, đã có hơi thở.

Theo nghiên cứu khoa học, gà con nở vào ngày thứ 21 và bắt đầu thở bằng phổi vào ngày 20, dùng không khí trong túi chứa không khí ở đầu lớn của quả trứng. Vì thế, có thể nói ngày 20 là ngày gà con có thể chết ngạt.

Trước đó thì một hệ thống màng mạch (chorioallantoic) nằm sát vỏ trứng và bên ngoài phôi thai đem các chất bổ dưỡng từ tròng đỏ của trứng và chuyển không khí thấm qua vỏ trứng, đến các tế bào của phôi thai; rồi chuyển thán khí ra ngoài vỏ trứng.

Ngày 14, hệ thống màng mạch đã phát triển toàn vẹn khắp bề trong của vỏ trứng.

Ngày 15, bộ đồ lòng vốn ở bên ngoài thân thể được rút vào trong ổ bụng, gà con đã hoàn toàn thành hình và tiếp tục lớn lên, màng mạch từ từ teo khô dần.

Việc ăn hay không ăn trứng lộn thuộc về đức tin của mỗi người. Người nào nghĩ rằng ăn trứng lộn là có tội mà vẫn ăn thì người ấy phạm tội (không phải vì ăn trứng lộn mà vì tin một điều là sai mà vẫn làm). Người nào phân vân, không biết chắc ăn trứng lộn có phạm điều răn hay không mà vẫn ăn, thì cũng phạm tội, vì ăn không bởi đức tin. Người tin rằng ăn trứng lộn không phạm tội và ăn, thì không phạm tội, vì làm bởi đức tin và vì Thánh Kinh không hề nói đến việc cấm ăn trứng trong bất kỳ thời khoảng nào. Từ ngữ “thú vật chết ngạt” là một danh từ chỉ về loài xác thịt bị siết cổ hoặc bị trấn nước, làm cho ngạt thở mà chết.

Tốt nhất là không ăn trứng lộn, nhưng nếu có ăn thì chỉ ăn trứng dưới 15 ngày, là lúc gà hoặc vịt con còn là phôi thai (embryo) và chưa thở bằng phổi. Xin xem hình minh họa sự phát triển của phôi thai thành gà con tại đây [4].

Luật cấm ăn máu không liên quan gì đến việc hiến máu và nhận máu vào cơ thể trong các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật. Tuy nhiên, những người Chứng Nhân Giê-hô-va tuyệt đối bài trừ việc nhận máu vào cơ thể. Họ cho rằng, nhận máu vào cơ thể là phạm điều răn cấm ăn máu. Họ không hiểu rằng, việc dùng máu để cứu người hoàn toàn khác với việc dùng máu làm thực phẩm. Các trường hợp bị chảy máu mũi, lỡ nuốt vào bụng, cũng không phải là phạm tội ăn máu. Chúng ta cần ghi nhớ, điều răn của Chúa cấm chúng ta dùng máu làm thực phẩm, nghĩa là chúng ta không được ăn máu, không được uống máu như một thứ thực phẩm. Vì thế, việc truyền máu vào thân thể và việc lỡ nuốt máu không phải là sự vi phạm điều răn của Chúa.

Chúng ta thấy việc kiêng giữ khỏi của cúng thần tượng, kiêng giữ khỏi tà dâm, kiêng giữ khỏi sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu đã được Đức Thánh Linh quy định cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại, vì các điều ấy không có trong Mười Điều Răn. Điều răn thứ bảy chỉ cấm ngoại tình, là sự quan hệ tình dục với chồng hay vợ của người khác, đó chỉ là một trong các hình thức của sự tà dâm. Vì thế ngoài Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, điều răn con dân Chúa phải yêu nhau như Đấng Christ đã yêu mình (Giăng 13:34) và điều răn giữ mình thánh sạch của Đức Thánh Linh, như được tóm gọn trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29, con dân Chúa không cần phải kiêng giữ sự ăn thịt các loài thú vốn được kể là không tinh sạch trong thời Cựu Ước. Các loài thú đó đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch trong thời Tân Ước, và đã được Ngài phán rõ ba lần với Phi-e-rơ là Ngài đã làm cho chúng sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15).

21 Vì từ các thế hệ xưa, trong mỗi thành vẫn có những người giảng về Môi-se; đọc về ông trong các nhà hội mỗi một ngày Sa-bát.

Phần lớn những người thuộc các dân ngoại tin nhận Tin Lành là những người có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, thường đến các nhà hội của dân Do-thái để được nghe đọc Thánh Kinh và nghe giảng Thánh Kinh. Dân I-sơ-ra-ên dù lưu lạc đến nơi nào, cũng đều gắng sức xây dựng các nhà hội để duy trì sự đọc Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa. Cho dù họ chỉ tin nhận Chúa theo lý trí hơn là theo thần trí.

Giảng về Môi-se” tức là giảng về những gì Đức Chúa Trời đã truyền cho Môi-se và được ông ghi chép trong một cuốn sách, gọi là Sách Luật Pháp.

Đọc về ông” tức là đọc về những gì Môi-se đã ghi chép. Đó là từ Sáng Thế Ký cho đến gần hết sách Phục Truyền Luật Lệ Ký. Đoạn cuối cùng của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký chép về sự qua đời của Môi-se, có lẽ đã do Giô-suê ghi lại.

Chính vì Lời Chúa vẫn thường được đọc và giảng trong các nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát nên con dân Chúa thuộc các dân ngoại có thể nghe biết rằng, sự kiêng giữ khỏi sự ô uế của các thần tượng, kiêng giữ khỏi sự tà dâm, kiêng giữ khỏi sự ăn thịt thú vật chết ngạt và máu là mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/12/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-cong-vu-cac-su-do-1119-30-hoi-thanh-tai-an-ti-ot/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-phan-gioi-thieu/

[3] Tra tìm “Bản Dịch 70” tại đây: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/12/TrungLon.jpg

Karaoke Thánh Ca: “Mau Hãy Về bên Tình Yêu”
https://karaokethanhca.net/mau-hay-ve-ben-tinh-yeu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.