Timothy: Phi-líp 1:12-21

8,672 views

Timothy: Phi-líp 1:12-21
Sự Bất Khuất của Tin Lành

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Xin Cha giữ cho con được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được. Con cũng xin Đấng Christ thêm sức cho thân thể xác thịt của con, xin Đức Thánh Linh ban sự khôn sáng và sự thông sáng trong thần trí con. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con vẫn cứ cảm nhận, ngày tháng ngày càng trôi qua càng nhanh. Mới đó đã hết một ngày, mới đó đã sắp hết một tuần, mới đó đã sắp hết một tháng, và bây giờ đã vào quý cuối của một năm. Con có tra tìm trên mạng xem có sự biến động nào về tốc độ tự xoay của trái đất, khiến cho ngày tháng trôi qua nhanh hơn không. Nhưng con chỉ thấy thông tin về sự tốc độ xoay của trái đất bị giảm lại, làm cho ngày dài thêm ra. Như vậy, hoặc là trạng thái tâm lý của con, khiến cho con cảm thấy thời gian trôi nhanh; hoặc là có sự biến động trong vũ trụ vật chất, khiến cho thời gian trôi nhanh hơn mà các nhà khoa học không nhận biết được. Theo lẽ thường, khi người ta mong chờ một điều gì thì sẽ cảm thấy thời gian chậm lại, sự mình mong chờ lâu đến. Con chỉ mong chờ một điều duy nhất, là mong chờ ngày Đấng Christ đến, đem Hội Thánh vào thiên đàng. Thế nhưng sao con lại cảm nhận thời gian trôi qua quá nhanh. Không chỉ nhanh hơn khi so với nhiều năm trước kia mà còn nhanh hơn khi so với ngay chính năm vừa qua. Đây là một sự huyền nhiệm đối với con. Con mong sẽ có được câu trả lời khi Đấng Christ đón con vào thiên đàng.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Phi-líp 1:12-21, như sau:

12 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi muốn các anh chị em biết rằng, những điều xảy ra cho tôi đã đem đến càng hơn sự tấn tới của Tin Lành,

13 vì thế mà những sự bị xiềng xích của tôi trong Đấng Christ được tỏ ra trong cả chốn công đường và mọi nơi khác.

Câu 12 và 13: Con hiểu rằng, những điều xảy ra cho Phao-lô chính là những cơn hoạn nạn, bách hại mà ngay trong lúc ấy là sự ông đang bị tù tại thành Rô-ma. Dù vậy, trong bất cứ cảnh ngộ nào Phao-lô cũng có cơ hội rao giảng Tin Lành. Chính trong hoàn cảnh bị tù mà Phao-lô có cơ hội giảng Tin Lành cho viên cai ngục tại thành Phi-líp. Cũng trong khi bị tù mà Phao-lô có cơ hội giảng Tin Lành cho hai thống đốc La-mã, cho Vua Ạc-ríp-ba. Và ông sắp sửa có cơ hội để giảng Tin Lành cho hoàng đế La-mã. Vì thế, Phao-lô nói rằng, những điều xảy ra cho ông đã đem đến càng hơn sự tấn tới của Tin Lành. Sự bị tù của ông vì rao giảng Đấng Christ đã khiến cho ông có cơ hội nói về Ngài trong những khi ông bị xét xử và kể cả những khi ông bị áp giải.

14 Nhiều anh chị em cùng Cha trong Chúa được vững lòng qua sự bị xiềng xích của tôi, dạn dĩ càng hơn, rao giảng Lời mà chẳng sợ hãi.

Câu 14: Con hiểu rằng, chính vì Phao-lô vẫn dạn dĩ rao giảng trong khi bị tù mà nhiều con dân Chúa đã được khích lệ. Họ được vững lòng càng hơn để rao giảng Lời mà chẳng sợ hãi. Phao-lô dùng danh từ “Lời” để nói đến chính Đấng Christ. Vì Ngài là Thiên Chúa Ngôi Lời. Nhưng “Lời” cũng là mọi lời phán của Thiên Chúa đã được ghi chép trong Thánh Kinh. “Lời” còn là “Lời về thập tự giá” tức là Tin Lành (I Cô-rinh-tô 1:18).

15 Thật có vài kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ, nhưng cũng có những người vì ý tốt.

Câu 15: Con hiểu rằng, ngay từ thời của Phao-lô cho tới thời hiện tại, lúc nào cũng có những kẻ rao giảng Tin Lành vì lòng ganh ghét và cạnh tranh. Họ là những người tin nhận Tin Lành nhưng chưa từ bỏ nếp sống cũ. Nghĩa là họ tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ nhưng họ không thật lòng ăn năn. Họ vẫn sống cho chính họ, muốn được nhiều người thán phục, xem trọng họ, khen ngợi họ. Khi họ thấy Phao-lô rao giảng Tin Lành được nhiều kết quả thì họ ganh tị. Họ muốn được như Phao-lô hoặc hơn cả Phao-lô. Vì thế, họ cũng rao giảng Tin Lành. Nhưng trong số những con dân của Chúa vẫn có những người thật lòng rao giảng Tin Lành như Phao-lô. Họ rao giảng vì muốn cho nhiều người được cứu như họ. Họ rao giảng vì họ vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus. Họ rao giảng vì họ yêu Chúa và yêu người.

16 Thực tế, những kẻ công bố Đấng Christ vì lòng cạnh tranh, không thành thật, tưởng rằng, thêm những gánh nặng cho sự bị xiềng xích của tôi.

17 Nhưng những người công bố bởi tình yêu biết rằng, tôi được chỉ định để bênh vực Tin Lành.

Câu 16 và 17: Con hiểu rằng, những kẻ ganh tị và cạnh tranh với Phao-lô tưởng rằng, ông cũng có lòng ganh tị và cạnh tranh như họ. Họ tưởng rằng, nếu họ rao giảng Tin Lành, có được nhiều người tin nhận thì Phao-lô sẽ bực tức, khó chịu. Nhất là khi ông đang bị ở tù, không thể cạnh tranh với họ. Và như vậy là thêm sự khốn khổ cho ông. Nhưng thực tế, Phao-lô vui mừng càng hơn, khi biết Tin Lành được nhiều người rao giảng. Những người rao giảng Tin Lành vì tình yêu đối với Chúa và đối với tội nhân thì biết rõ, Phao-lô đã được Chúa chỉ định làm người bênh vực Tin Lành. Ông là người được Chúa giao cho nhiệm vụ giữ cho sự rao giảng Tin Lành được thuần khiết và trọn vẹn, không bị pha lẫn với tà giáo.

18 Vậy thì sao? Dù là giả vờ hay thật lòng, Đấng Christ cũng được rao giảng. Vì thế mà tôi cứ vui mừng và sẽ vui mừng.

Câu 18: Con hiểu rằng, cho dù Tin Lành được rao giảng với mục đích gì, chỉ cần Tin Lành được rao giảng đúng thì đó là điều đem lại ích lợi cho thế gian. Cả thế gian như đang trong cơn dịch bệnh chết người. Tin Lành như loại thuốc trị được dịch bệnh, cứu người. Dù là thuốc được bác sĩ phát cho bệnh nhân hay bị con buôn chợ đen bán với giá cao cho bệnh nhân, chỉ cần là thuốc thật thì bệnh nhân uống vào sẽ khỏi bệnh. Khi Tin Lành chân chính được rao giảng thì Đấng Christ được rao giảng. Có nghĩa là sự chết chuộc tội của Ngài được rao giảng. Và khi Đấng Christ được rao giảng cách chân chính thì sẽ có nhiều người được cứu. Chính vì thế mà Phao-lô cứ vui mừng và sẽ vui mừng.

19 Vì tôi biết rằng, điều này sẽ trở nên sự giải cứu của tôi, thông qua sự khẩn xin của các anh chị em và sự hỗ trợ từ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ.

Câu 19: Con hiểu rằng, sự kiện Tin Lành được rao giảng khắp nơi bởi nhiều người sẽ khiến cho ngày càng có nhiều người tin nhận. Hội Thánh của Chúa sẽ được thành lập ở nhiều địa phương. Nếp sống mới của con dân Chúa sẽ được đồn ra khắp nơi, trong đế quốc La-mã. Các bậc cầm quyền La-mã sẽ nhận biết những người rao giảng Tin Lành không phải là mối nguy của đế quốc, trái lại, họ khiến cho công dân trong đế quốc sống ngay lành, vâng phục chính quyền. Vì thế, nhà cầm quyền La-mã không thể kết tội Phao-lô về việc ông rao giảng Tin Lành nên sẽ trả tự do cho ông. Dù vậy, con dân Chúa vẫn cần cầu thay cho Phao-lô. Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là con dân Chúa cầu thay cho nhau. Nếu không có ai cầu thay cho Phao-lô thì Đức Chúa Trời vẫn giải cứu ông trong thời điểm của Ngài. Nhưng sự cầu thay của con dân Chúa là sự con dân Chúa được dự phần trong sự chịu khổ của Phao-lô. Nhờ đó mà họ được phước. Trên một phương diện khác, chính Đấng Thần Linh sẽ tác động trong lòng những bậc cầm quyền để họ trả tự do cho Phao-lô. Phao-lô dùng danh xưng Đấng Thần Linh của Đấng Christ để nhấn mạnh đến sự kiện Đức Thánh Linh được Đấng Christ sai đến (Giăng 15:26) để ban năng lực và tác động trên con dân Chúa, tác động trên những người không tin Chúa mà làm thành những điều Đức Chúa Trời đã định trong đời sống của con dân Chúa.

20 Theo sự xao xuyến mong ngóng và hy vọng của tôi, rằng tôi chẳng hổ thẹn trong sự gì, nhưng cũng như từ trước đến giờ, Đấng Christ sẽ được vinh hiển và tôn cao trong thân thể của tôi cách tỏ tường, cho dù bởi sự sống hay bởi sự chết.

21 Vì đối với tôi: Sống là Đấng Christ và chết là điều ích lợi.

Câu 20 và 21: Con hiểu rằng, cho tới thời điểm Phao-lô viết thư Phi-líp thì ông bị tù đã gần bốn năm. Vì thế, trong ông có sự xao xuyến, mong ngóng với lòng hy vọng sớm được tự do để ông có thể tiếp tục đi khắp nơi rao giảng Tin Lành và ghé thăm con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương. Phao-lô xét thấy, ông chẳng có gì phải hổ thẹn nhưng đời sống ông luôn làm tôn vinh danh Chúa. Ông rao giảng về Đấng Christ. Ông sống theo lời giảng dạy của Đấng Christ. Thân thể ông chịu khổ vì Đấng Christ. Ngay cả, nếu ông qua đời thì cũng là vì Đấng Christ. Vì thế, đối với Phao-lô, dù sống hay chết ông cũng đều làm tôn vinh danh Chúa. Sống là Đấng Christ có nghĩa là đời sống hoàn toàn vâng phục Đấng Christ, rao giảng về Ngài, sống giống như Ngài. Con dân chân thật của Chúa khi chết thì được nghỉ ngơi khỏi sự lao nhọc của thân thể xác thịt và được vào trong thiên đàng, ở bên cạnh Thiên Chúa. Vì thế, chết là điều ích lợi cho con dân Chúa.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học này. Xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài hiểu rõ và có thể nói như Phao-lô: “Vì đối với tôi: Sống là Đấng Christ và chết là điều ích lợi.” Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy