Timothy: Phi-líp 1:1-6

8,050 views

Timothy: Phi-líp 1:1-6
Con Dân Chúa Thông Công với Tin Lành – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Xin Cha giữ cho con được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được. Con cũng xin Đấng Christ thêm sức cho thân thể xác thịt của con, xin Đức Thánh Linh ban sự khôn sáng và sự thông sáng trong thần trí con. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, khi con suy ngẫm về những sự đau yếu, tật bệnh Ngài cho phép xảy ra trên thân thể của con dân Ngài, con nhận thấy, có ba trường hợp Ngài cho phép chúng xảy ra. Trường hợp thứ nhất là sự xảy ra đương nhiên, sau khi loài người phạm tội. Đó là thân thể xác thịt của loài người phải già yếu, tật bệnh, và chết, vì đã thiếu mất sự vinh quang của Thiên Chúa. Ngoại trừ hai người được hưởng ân điển đặc biệt của Ngài là Hê-nóc và Ê-li, thì dù là người tin kính Thiên Chúa cũng phải già yếu, tật bệnh, và chết. Vì đó là hậu quả đương nhiên của sự phạm tội. Con nghĩ đến trường hợp Vua Đa-vít, một người đầy ơn của Ngài và được Ngài yêu cách đặc biệt, ban cho quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên cho tới đời đời, nhưng khi già, ông cũng bị chứng lạnh run. Trường hợp thứ nhì thì đau yếu, tật bệnh là do sự ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, hoặc do sống trong môi sinh bị loài người làm ô nhiễm. Trường hợp thứ ba là do ma quỷ tạo ra để hù dọa, cám dỗ, hoặc làm khổ. Con nghĩ rằng, trong trường hợp thứ nhì và thứ ba thì con dân Chúa có thể cầu nguyện, xin được chữa lành.

Con cũng nghĩ rằng, rất có thể hai chứng nhân của Ngài trong Kỳ Tận Thế chính là Hê-nóc và Ê-li. Nếu là như vậy thì Ngài đã biệt riêng họ cho công việc đặc biệt. Một người sống trước thời kỳ luật pháp của Ngài được ban hành thành chữ viết. Một người sống trong thời kỳ luật pháp được chép thành chữ. Cả hai làm chứng nhân cho Ngài trong thời kỳ ân điển, giữa cơn hình phạt toàn thế gian. Nguyện Cha giúp con thêm sự hiểu biết trong sự suy ngẫm này của con. Vì điều này không được giãi bày trong Thánh Kinh. Con cảm tạ Cha.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Phi-líp 1:1-6, như sau:

1 Phao-lô và Ti-mô-thê, các tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, gửi đến hết thảy các thánh đồ trong Đấng Christ Jesus, ở thành Phi-líp, chung với các giám mục và các chấp sự.

Câu 1: Con hiểu rằng, vào lúc Sứ Đồ Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Phi-líp thì ông đang bị tù tại thành Rô-ma. Bên cạnh ông có Ti-mô-thê và Ép-ba-phô-đích. Con dân Chúa tại Phi-líp hay tin Phao-lô bị tù thì rất là lo lắng nên họ đã gửi Ép-ba-phô-đích đến chăm sóc ông. Trong lời chào thăm, mở đầu thư, Phao-lô đã không theo thói quen, tự giới thiệu mình là sứ đồ. Vì Hội Thánh tại Phi-líp là Hội Thánh duy nhất vào thời ấy hoàn toàn tin nhận quyền vị sứ đồ của Phao-lô và đồng công với ông trong linh vụ truyền giáo, ngay từ buổi đầu Hội Thánh được thành lập. Hội Thánh tại Phi-líp đã được thành lập với gia đình của một phụ nữ tên là Li-đi và gia đình của viên cai ngục thành phố. Viên cai ngục thành phố đã tin nhận Tin Lành trong đêm phép lạ xảy ra, khi Phao-lô và Si-la bị tù, do ông canh giữ. Phao-lô đặc biệt nói đến các giám mục và các chấp sự trong Hội Thánh tại Phi-líp có lẽ là vì họ có sự thông công trực tiếp với ông và thường xuyên gửi thư thăm hỏi ông.

Thưa Cha, khi con suy ngẫm đến mối thông công mật thiết giữa Hội Thánh tại Phi-líp với Sứ Đồ Phao-lô thì con cũng thấy ấm lòng cho Phao-lô. Ít ra, trong các Hội Thánh địa phương do Phao-lô rao giảng Tin Lành và thành lập đã có ít nhất là một Hội Thánh hết lòng tin yêu, vâng phục Phao-lô và đồng công với ông trong suốt linh vụ truyền giáo của ông. Đây là điều chắc chắn đã an ủi Phao-lô rất nhiều. Và cũng là lý do khiến cho tình cảm yêu thương, quý mến của ông dành cho Hội Thánh tại Phi-líp dường như nhiều hơn, so với các Hội Thánh địa phương khác. Con hiểu sự yêu nhiều hơn hay ít hơn là điều tự nhiên, hợp lý, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa đôi bên. Chính Đức Chúa Jesus cũng yêu môn đồ này hơn môn đồ kia.

Phao-lô đã để Ti-mô-thê cùng đứng tên gửi thư cho Hội Thánh tại Phi-líp, có lẽ là vì nội dung của thư là những gì đã được Phao-lô và Ti-mô-thê bàn thảo và thống nhất với nhau.

2 Nguyện ân điển ở cùng các anh chị em và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Câu 2: Con hiểu rằng, con dân Chúa luôn cần ở trong ân điển của Thiên Chúa. Con dân Chúa luôn cần ở trong sự bình an của Thiên Chúa, trong đó có sự bình an đến từ Đức Chúa Trời, sự bình an đến từ Đức Chúa Jesus Christ, và sự bình an đến từ Đức Thánh Linh. Ân điển của Thiên Chúa là ơn thương xót và cứu rỗi ban cho những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Thiên Chúa, và vâng phục Thiên Chúa. Sự bình an từ Đức Chúa Trời là sự bình an của người được Đức Chúa Trời tha tội, xưng là công chính. Sự bình an từ Đức Chúa Jesus Christ là sự bình an trước mọi cảnh ngộ trong đời sống, vì được chính Đấng Christ ban cho sức mạnh trong thể xác để vượt qua. Sự bình an từ Đức Thánh Linh là sự được Ngài an ủi, cầu thay, dẫn đi trong mọi lẽ thật của Lời Chúa, và ban cho năng lực của Thiên Chúa.

3 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi mỗi khi nhớ đến các anh chị em.

4 Trong mỗi sự khẩn xin của tôi cho các anh chị em, tôi hằng khẩn xin cho hết thảy các anh chị em cách hớn hở.

Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô luôn cảm tạ Đức Chúa Trời mỗi khi ông nhớ đến và dâng lời cầu thay cho con dân Chúa tại Phi-líp. Con cảm thấy vui, mỗi khi đọc thấy Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của tôi”. Trong bảy lần Phao-lô dùng cách gọi này thì đã hai lần ông dùng trong thư Phi-líp. Con cũng muốn được có những cơ hội gọi Ngài là “Đức Chúa Trời của tôi”. Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời mỗi khi ông nhớ đến con dân Chúa tại Phi-líp là vì giữa họ và ông có sự thông công mật thiết, ông thường xuyên được biết những tin vui về sự tăng trưởng trong đức tin của họ. Ông cảm tạ Đức Chúa Trời về sự quan phòng của Ngài đối với Hội Thánh tại Phi-líp và những sự Ngài ban cho họ. Khi ông cầu thay cho họ, lòng ông hớn hở vì những thành quả tốt đẹp từ thuộc thể đến thuộc linh của họ. Mà con nghĩ rằng, do họ hết lòng vâng phục mọi lời giảng dạy của Phao-lô và hết sức đồng công với ông trong linh vụ truyền giáo, nên họ được hưởng dư dật mọi ơn phước của Thiên Chúa.

5 Vì sự thông công của các anh chị em với Tin Lành từ ngày đầu cho tới nay,

6 tôi tin chắc về việc này rằng, Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong các anh chị em thì sẽ làm trọn cho đến ngày của Đức Chúa Jesus Christ.

Câu 5 và 6: Con hiểu rằng, ngay từ khi tin nhận Tin Lành, từ khi Hội Thánh chỉ mới bao gồm gia đình Li-đi và gia đình viên cai ngục thành phố, thì Hội Thánh của Chúa tại Phi-líp đã hết lòng vâng phục mọi sự giảng dạy của Phao-lô, luôn tiếp trợ cho ông về vật chất, luôn cầu thay cho ông, và luôn giữ liên lạc với ông. Khi nghe tin ông bị tù tại Rô-ma, họ đã gửi vật chất tiếp trợ ông và còn biệt riêng một người chăm sóc ông, là Ép-ba-phô-đích. Chính vì sự thông công mật thiết của con dân Chúa tại Phi-líp với Tin Lành mà Phao-lô tin chắc rằng, Đức Chúa Trời sẽ làm trọn việc lành mà Ngài đã làm ra trong Hội Thánh tại Phi-líp. Lời của Phao-lô không có nghĩa là con dân Chúa tại Phi-líp sẽ sống cho tới ngày Đấng Christ đến. Nhưng có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ làm trọn việc lành mà Ngài đã bắt đầu trong họ, để họ được trọn vẹn và xứng đáng, trong ngày Đấng Christ phục sinh thân thể xác thịt của họ, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Con hiểu rằng, giới từ “cho đến” được dùng ở đây không có nghĩa là cho tới thời điểm, như giới từ “until” trong tiếng Anh; mà có nghĩa là cho một ai đó hay cho một sự kiện nào đó, như giới từ “unto” trong tiếng Anh.

Thưa Cha, con cầu xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài biết thông công với Tin Lành cho tới ngày Đấng Christ đến. Vì con dân Chúa không phải chỉ vui mừng tiếp nhận Tin Lành, mà còn sống theo Tin Lành, hiệp một với những ai cùng tin nhận Tin Lành, và đồng công với những ai rao giảng Tin Lành. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy