Timothy: II Cô-rinh-tô 12:1-10

8,282 views

Timothy: II Cô-rinh-tô 12:1-10
Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Mỗi một ngày trôi qua trong đời sống con, con đều được ở trong sự quan phòng của Ngài. Con vui thỏa được sống trong tình yêu và ân điển của Ngài. Nhưng con mong mau tới ngày Đấng Christ đến để con sớm được ra khỏi thế gian đầy dẫy tội lỗi và thân xác ngày càng yếu đuối này. Con cầu xin Đấng Christ thêm sức mới cho con. Con cầu xin Đức Thánh Linh giữ cho con luôn được khôn sáng. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về II Cô-rinh-tô 12:1-10, như sau:

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Câu 1: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô muốn nói, ông không có ý khoe mình, vì ông biết rõ, sự khoe mình chẳng đem lại sự thuận lợi gì cho ông trong chức vụ. Phao-lô biết sự khoe mình dù là khoe mình trong Chúa cũng có khi làm trở ngại cho chức vụ của ông. Vì nó có thể khiến cho con dân Chúa hiểu lầm, cho rằng, ông kiêu ngạo; hoặc khiến cho kẻ thù của ông càng ganh ghét hơn và càng tìm cách hãm hại ông hơn. Nhưng khi cần, Phao-lô vẫn phải khoe mình vì lợi ích của con dân Chúa. Vì thế, Phao-lô muốn nói đến các khải tượng và các sự mạc khải Chúa đã ban cho ông. Ông mong rằng, sự chia sẻ của ông sẽ giúp cho con dân Chúa hiểu rằng, mọi sự giảng dạy của ông là đến từ Thiên Chúa.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.

Câu 2: Con hiểu rằng, Phao-lô đang nói đến chính ông, nhưng ông không trực tiếp xưng nhận là ông. Phao-lô muốn tránh tạo ra sự hiểu lầm cho người nghe, rằng ông có ý muốn khoe khoang ông là người đầy ơn, được Đức Chúa Trời cư xử cách đặc biệt. Mười bốn năm trước có lẽ là lúc Phao-lô đang trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất và bị dân Do-thái ném đá gần chết, tại thành Lít-trơ, xứ Li-cao-ni. Có thể trong lúc gần chết đó, Chúa đã an ủi và khích lệ ông bằng cách đem ông vào thiên đàng. Phao-lô không nhận thức được ông vào thiên đàng với thân thể xác thịt hay không. Nhưng qua Lời Chúa, con hiểu rằng, thân thể xác thịt chưa được phục sinh hoặc chưa được biến hóa thì không thể vào thiên đàng. Vậy, Phao-lô đã vào thiên đàng trong thân thể thiêng liêng là tâm thần. Con hiểu tầng trời thứ ba là tầng trời thuộc linh, là thiên đàng, là nơi ngự của Thiên Chúa. Tầng trời thứ ba ở bên ngoài tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu và tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la trong vũ trụ của thế giới thuộc thể.

3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;

4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, Phao-lô nhắc lại lần nữa, ông không biết mình vào thiên đàng trong hay ngoài thân thể xác thịt có lẽ là vì khải tượng ông nhìn thấy và nghe được rất là sống động. Sự sống động ấy khiến cho ông có cảm nhận như ông đang kinh nghiệm mọi sự ấy trong thân thể xác thịt, trong khi ông hiểu rằng, thân thể xác thịt hiện tại thì không thể vào được thiên đàng. Nhưng ông cũng biết là Thiên Chúa có quyền làm ra mọi sự Ngài muốn, nếu Ngài muốn đem thân thể xác thịt của ông vào thiên đàng thì Ngài sẽ làm. Vì vậy, ông nói, chỉ có Đức Chúa Trời mới biết là ông được vào thiên đàng trong hoặc ngoài thân thể xác thịt. Nếu ông vào thiên đàng ngoài thân thể xác thịt thì ông đã vào trong thân thể thiêng liêng là tâm thần, như Sứ Đồ Giăng đã vào thiên đàng trong khi có khải tượng để viết sách Khải Huyền.

Con hiểu rằng, danh từ Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa hoặc Vườn Hạnh Phúc, được dùng để chỉ bất cứ nơi nào con dân Chúa được sống vui thỏa, hạnh phúc trong Chúa. Như Ba-ra-đi trong âm phủ trước khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, như nơi Thiên Chúa ngự là thiên đàng, như Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời sắp đến. Quan trọng hơn hết là tấm lòng của mỗi con dân Chúa có đức tin vững vàng nơi Ngài cũng chính là một Ba-ra-đi.

Con hiểu rằng, Phao-lô đã được nghe và hiểu những sự mầu nhiệm khi ông ở trong thiên đàng. Nhưng Phao-lô không thể lập lại những gì mà ông nghe. Có thể đó là một ngôn ngữ Phao-lô được ban cho sự thông hiểu nhưng không được ban cho sự nói. Dù Phao-lô hiểu những gì ông nghe nhưng ông không được phép nói lại, dù là nói lại trong các ngôn ngữ loài người mà ông biết. Vì đó là sự mạc khải dành riêng cho ông để khích lệ ông, thêm đức tin cho ông. Con cũng mong ước được có khải tượng như Phao-lô. Nhưng con cũng hiểu rằng, không còn bao lâu nữa, Đấng Christ sẽ đón con vào trong thiên đàng với thân thể xác thịt đã được biến hóa, vinh quang, bất tử. Con nôn nao mong chờ ngày ấy.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Câu 5 và 6: Con hiểu rằng, Phao-lô muốn nói cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết, ông không muốn khoe khoang về bản thân mình mà ông chỉ muốn khoe về sự kiện có người được Chúa ban cho khải tượng về thiên đàng. Sự khoe của Phao-lô là khoe về một sự kiện có thật chứ không phải khoe về giá trị của bản thân ông. Không phải khoe rằng, ông được Chúa đối xử đặc biệt hơn những người khác. Nếu phải khoe về chính mình thì Phao-lô chỉ khoe ra sự yếu đuối trong xác thịt của ông. Chứ ông không khoe khoang những điều mà ông đã xem như rác, như phân và đã từ bỏ chúng để đi theo Chúa, như lời ông đã tâm tình với con dân Chúa tại Phi-líp (Phi-líp 3:8). Khi cần khoe mình, Phao-lô sẽ chỉ nói lên sự thật ông là người hèn mọn hơn hết trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, và ông cũng nhận mình là người thấp hèn hơn hết trong tất cả các thánh đồ, tức là trong hết thảy con dân Chúa, như ông đã viết trong I Cô-rinh-tô 15:9 và trong Ê-phê-sô 3:8. Phao-lô cố giữ không khoe mình, dù là khoe mình trong Chúa, để tránh sự có người vì thấy Chúa ban ơn cho ông nhiều mà tôn sùng ông.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Câu 7: Con hiểu rằng, sau khi Phao-lô được thấy khải tượng trong thiên đàng thì ông đã bị Sa-tan tấn công, gieo cho thân thể ông một chứng tật bệnh nào đó. Nhưng chính Thiên Chúa cho phép điều đó xảy ra và dùng đó để giữ cho Phao-lô không lên mình, kiêu ngạo. Con nghĩ rằng, một người đã từ bỏ mọi sự vinh hoa, phú quý, danh tiếng, chịu khổ theo Chúa và phụng sự Chúa như Phao-lô mà Chúa còn cho phép Sa-tan tấn công ông để giữ cho ông không kiêu ngạo thì rõ ràng, sự kiêu ngạo là nan đề rất lớn trong đời sống của con dân Chúa. Thực tế, con vẫn nhìn thấy sự kiêu ngạo nắm bắt nhiều con dân Chúa trong Hội Thánh.

Con cảm tạ Cha đã dùng quá khứ tội lỗi rất xấu xa của con để giữ cho con không kiêu ngạo. Con cũng có các sự đau yếu, tật bệnh trong thể xác mà đã nhiều lần con cầu xin được chữa lành nhưng không được chữa lành. Như chứng ho dai dẳng của con từ khi gia đình con vâng theo sự dẫn dắt của Cha, chuyển về sống ở Texas đã gần 14 năm nay. Mấy năm gần đây thì mắt của con cũng yếu vì chứng cận thị nhưng thị lực lại thay đổi khác nhau trong ngày, lúc thì không cần mang kính, lúc thì phải mang kính với độ thấp, lúc thì phải mang kính với độ cao. Và trên hết là chứng mau mệt, không lao động lâu dài được, phải thường xuyên nghỉ mệt, và không còn khuân vác nặng được. Dù các tật bệnh đó khiến con không được thuận tiện trong sinh hoạt, nhưng con vững tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Chúa, và càng khiến con giữ mình khiêm nhường, mong chờ ngày Đấng Christ đến càng hơn. Con cầu xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài luôn nhớ đến bài học vỡ lòng của người đến với Thiên Chúa là phải học theo Đấng Christ, trở nên nhu mì và khiêm nhường như Đấng Christ.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.

9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Câu 8 và 9: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đã ba lần kêu cầu Đấng Christ, xin Ngài chữa lành ông. Tuy nhiên, mục đích của Ngài là dùng sự tấn công của Sa-tan giúp cho Phao-lô luôn nhớ đến sự yếu đuối của ông để ông hoàn toàn không có một ý tưởng kiêu ngạo nào. Sa-tan muốn làm khổ Phao-lô nhưng Chúa dùng sự làm khổ ấy để thể hiện rằng, ân điển của Ngài và đức tin của Phao-lô lớn hơn năng lực của Sa-tan. Phao-lô còn được rèn luyện trong sự chịu khổ mà vui lòng, vì biết đó là ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình. Con học được rằng, không có một sự đau đớn nào trong thể xác mà con dân Chúa không thể vượt qua, nhờ sức mạnh của Đấng Christ. Khi con dân Chúa công nhận sự yếu đuối của mình thì ân điển của Đấng Christ khiến họ trở nên mạnh mẽ. Ân điển của Đấng Christ lúc nào cũng có đủ cho con dân Chúa.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Câu 10: Con hiểu rằng, khi một người nhận biết mọi sự xảy ra trong đời sống của mình đều nằm trong thánh ý của Thiên Chúa thì người ấy sẽ luôn vui mừng trong mọi cảnh ngộ. Người ấy xem mỗi cảnh ngộ Thiên Chúa cho phép đến trong đời sống mình là một cơ hội để mình được rèn luyện, khiến mình ngày càng giống Đấng Christ càng hơn. Chính vì thế mà Sứ Đồ Phao-lô đã khuyên con dân Chúa, trong thư gửi cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca: “Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Và trong thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng!” (Phi-líp 4:4).

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học này. Xin Cha giúp con biết áp dụng sự hiểu của mình vào trong cuộc sống. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy