Timothy: I Cô-rinh-tô 15:20-34

9,774 views

Timothy: I Cô-rinh-tô 15:20-34
Sự Sống Lại của Loài Người – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con vui mừng đón nhận ngày mới Cha ban cho con. Con vui mừng được trao đổi với các anh chị em cùng đức tin về những ơn phước Cha ban trong đời sống của mỗi người. Con vui mừng khi biết trong các anh chị em có người phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn vững đức tin. Con kính xin Cha luôn bao phủ họ bằng sự quan phòng thành tín của Cha. Con cảm tạ Cha. Con kính xin Đấng Christ ban sức mới cho con. Con kính xin Đức Thánh Linh ban sự hiểu biết Lời Hằng Sống của Thiên Chúa cho con trong khi con suy ngẫm. Con cảm tạ Đấng Christ và Đức Thánh Linh.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về I Cô-rinh-tô 15:20-34, như sau:

20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.

Câu 20: Con hiểu rằng, sự kiện Đấng Christ đã sống lại là một thực tế với nhiều chứng cớ, nhiều nhân chứng. Ngài đã chết như bao nhiêu người đã chết nhưng Ngài đã sống lại, đứng đầu trong sự sống lại của những người chết. Sự sống lại của Ngài không phải như sự sống lại của La-xa-rơ hay của bất cứ ai đã từng được sống lại từ trong sự chết, bởi quyền phép của Đức Chúa Trời. Vì những người đó chỉ sống lại để rồi chết đi, nhưng thân thể xác thịt của Đấng Christ sống lại để sống đời đời. Đấng Christ được gọi là trái đầu mùa của những người ngủ có nghĩa Ngài là người đầu tiên trong những người chết đã sống lại trong một thân thể xác thịt vinh quang, bất tử, cùng lúc tương hợp với thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh.

21 Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người.

22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.

Câu 21 và 22: Con hiểu rằng, sự chết vào trong thế gian bởi sự phạm tội của tổ phụ loài người là A-đam. Kể từ đó, mọi người được sinh ra trong thế gian, ngoài Đức Chúa Jesus, đều bị nhiễm bản tính phạm tội từ A-đam. Bản tính phạm tội là bản tính muốn làm theo ý riêng của mình, không vâng phục Đức Chúa Trời. Sự không vâng phục Đức Chúa Trời là tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Trong A-đam có nghĩa là được sinh ra trong huyết thống của A-đam, lây nhiễm bản tính phạm tội của A-đam, luôn làm ra tội. Vì thế, trong A-đam mọi người đều chết.

Đức Chúa Jesus là loài người nhưng Ngài không được sinh ra trong huyết thống của A-đam. Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Ngài mang lấy xác thịt loài người từ Ma-ri nhưng Ngài không mang huyết thống của A-đam, không bị nhiễm bản tính tội của A-đam. Ngài hoàn toàn vô tội để trở thành sinh tế chuộc tội cho loài người. Trong Đấng Christ là được Đức Chúa Trời sinh ra trong Đấng Christ bởi lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nhờ đó, được tháp vào Đấng Christ, nhận lãnh sự sống lại và sự sống đời đời từ Đấng Christ.

23 Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.

Câu 23: Con hiểu rằng, trong sự đến giữa chốn không trung của Đấng Christ dành cho Hội Thánh trước Kỳ Tận Thế, thì con dân Chúa thuộc về Hội Thánh sẽ được sống lại và được Ngài đem vào thiên đàng. Trong sự đến trên đất của Đấng Christ để phán xét toàn thế gian vào cuối Kỳ Tận Thế, thì con dân Chúa qua đời trong Kỳ Tận Thế cùng với con dân Chúa trước thời kỳ Hội Thánh sẽ được sống lại để cầm quyền cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm.

24 Kế đó, sự cuối cùng sẽ đến, khi Ngài sẽ giao vương quốc cho Đức Chúa Trời, là Đức Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi sự cai trị, mọi thẩm quyền, và mọi sức mạnh.

25 Vì Ngài phải cầm quyền cho đến khi Ngài đặt mọi kẻ thù nghịch dưới chân Ngài. [Thi Thiên 110:1]

26 Kẻ thù sau cùng sẽ bị hủy diệt là sự chết.

Câu 24 đến 26: Con hiểu rằng, sự cuối cùng sẽ đến là khi trận chiến cuối cùng giữa thiện và ác xảy ra, kết thúc thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Rồi, trời cũ đất cũ qua đi, sự phán xét chung cuộc được diễn ra. Trong cuộc phán xét ấy tất cả những người chết không thuộc về Chúa đều được sống lại để chịu sự phán xét công chính của Thiên Chúa về mỗi việc mà họ đã làm. Đó cũng là lúc sự chết bị tiêu diệt. Vì nó không còn quyền trên bất cứ một người nào. Dù sự chết không còn quyền trên những người không thuộc về Chúa, thân thể của họ đều được sống lại, nhưng họ sẽ chịu khổ đời đời trong hỏa ngục, vì đã không vâng phục Đức Chúa Trời.

27 Vì Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ngài. Nhưng khi Ngài phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Ngài. [Thi Thiên 8:6 – Dịch diễn ý: Vì Đức Chúa Trời đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, lời ấy ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Đấng Christ.]

28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì chính mình Con cũng sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, để cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

Câu 27 và 28: Con hiểu rằng, “muôn vật” là muôn loài thọ tạo, bao gồm các thiên sứ, ma quỷ, loài người và bất cứ vật gì được Thiên Chúa dựng nên, kể cả những vật vô tri vô giác như các hành tinh, ngôi sao. Chính sự kiện trời cũ đất cũ nổ tung và qua đi thể hiện uy quyền tuyệt đối của Đấng Christ trên muôn vật. Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhưng cũng là loài người. Ngài cai trị Vương Quốc Trời trong thân xác loài người nên Ngài thay mặt loài người vâng phục Đức Chúa Trời. Để loài người nhận biết cách rõ ràng: Đức Chúa Trời là đầu trong Vương Quốc Trời.

29 Nếu không, những người chịu báp-tem thay cho những người chết sẽ làm gì? Nếu những người chết không được sống lại bao giờ, thì sao họ chịu báp-tem thay cho những người chết?

Câu 29: Con hiểu rằng, theo sự ghi chép trong lịch sử Hội Thánh thì khoảng thời gian 300 năm đầu, Hội Thánh có thói quen cho phép một người chịu báp-tem thay cho người mới tin Chúa, chưa kịp báp-tem thì đã qua đời. Việc làm đó giúp cho người nhà của người qua đời được yên tâm là người ấy được đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ, như ý nghĩa của sự báp-tem. Ý nghĩa của sự báp-tem thay cho một người là giúp cho người ấy hoàn tất nghi thức cần thiết cho sự thể hiện đức tin. Tuy nhiên, điều ấy là không cần thiết vì Lời Chúa không dạy phải làm như vậy. Nhưng việc làm ấy thể hiện đức tin con dân Chúa thời bấy giờ về sự sống lại của những người chết, nhất là sự sống lại vinh quang của những người thuộc về Đấng Christ.

30 Sao chúng tôi ở trong sự nguy hiểm từng giờ?

31 Tôi chết mỗi ngày, bởi sự vinh hiển của các anh chị em mà tôi có trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Câu 30 và 31: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô dùng chính sự dấn thân vào nguy hiểm của bản thân trong linh vụ rao giảng Tin Lành để chứng minh rằng, nếu những người chết không sống lại thì sao ông có thể liều mình như vậy. Phao-lô phải đối diện với hiểm nguy mỗi ngày từ mọi phía: từ những kẻ chống đối ông, từ trộm cướp, thú dữ, cho đến thời tiết khắc nghiệt trong các cuộc hành trình. Ông chịu đựng tất cả là vì để có thể rao giảng Tin Lành cho nhiều người được cứu mà sự họ được cứu là niềm vui và sự vinh quang của ông trong Đấng Christ.

32 Nếu tôi theo cách của loài người, đã đánh cùng loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu những người chết không được sống lại, thì chúng ta hãy ăn và hãy uống, vì ngày mai chúng ta chết! [Ê-sai 22:13]

Câu 32: Con hiểu rằng, “loài thú ở thành Ê-phê-sô” có thể là loài thú dữ Phao-lô gặp ở ngoại thành mà cũng có thể là những kẻ chống đối ông cách hung hãn tại đó. Phao-lô muốn nói đến sự gian khổ, chống cự những kẻ thù để hoàn thành linh vụ rao giảng Tin Lành của ông sẽ ra vô ích, nếu không có sự sống lại của những người chết. Thay vì chịu khổ vô ích sao không sống đời sống hưởng thụ những gì mình thích trước khi chết.

33 Các anh chị em chớ bị mắc lừa! Những sự kết giao xấu làm hư những tính tốt.

34 Các anh chị em hãy tỉnh thức theo cách công chính! Và các anh chị em chớ phạm tội! Vì có người có sự không biết Thiên Chúa chút nào. Tôi nói với các anh chị em về sự hổ thẹn.

Câu 33 và 34: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy tránh xa những kẻ xấu, những giáo sư giả, tiên tri giả rao giảng tà giáo, những kẻ kiêu ngạo, giả hình, không sống theo Lời Chúa. Vì nếu không, họ sẽ bị lừa gạt và tiêm nhiễm thói xấu của những kẻ ấy. Phao-lô kêu gọi con dân Chúa hãy luôn tỉnh thức, sống theo Lời Chúa. Ông cũng biết rằng, trong Hội Thánh có những kẻ mang danh là con dân Chúa mà không có sự hiểu biết về Thiên Chúa.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học hôm nay. Một lần nữa, Lời Chúa nhắc cho con nhớ đến sự trông cậy phước hạnh của con dân Chúa. Mà sự phước hạnh ấy thì đã rất gần, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Kính xin Cha nhắc nhở mỗi anh chị em của chúng con để ai nấy đều sẵn sàng. Con cảm tạ ơn Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
02/06/2023