Timothy: I Cô-rinh-tô 12:12-31

9,372 views

Timothy: I Cô-rinh-tô 12:12-31
Sự Hiệp Một của Hội Thánh

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con vui mừng đón nhận thêm một ngày mới Cha ban cho con. Xin Cha cho con được vui thỏa trong ngày mới này với mọi ơn phước Cha ban xuống trên con. Xin Cha dùng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng linh hồn con. Con cầu xin Đấng Christ thêm sức mới cho con và Đức Thánh Linh ban sự hiểu biết Lời Chúa cho con. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về sự hiệp một của Hội Thánh, như được dạy trong I Cô-rinh-tô 12:12-31.

12 Tuy nhiên, như thân là một mà có nhiều chi thể, nhưng hết thảy các chi thể của một thân dù là nhiều, chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy.

13 Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.

Câu 12 và 13: Sứ Đồ Phao-lô dùng hình ảnh thân thể xác thịt của loài người để minh họa sự hiệp một của mỗi con dân Chúa với nhau trong Hội Thánh. Mỗi người chỉ có một thân thể xác thịt nhưng thân thể ấy bao gồm nhiều chi thể khác nhau. Tương tự như vậy là Hội Thánh, được gọi là thân thể của Đấng Christ. Chỉ có một Hội Thánh bao gồm nhiều người với các nhiệm vụ khác nhau, nhưng liên kết làm một. Bất kể là người thuộc dân tộc nào, có địa vị xã hội như thế nào, khi đã tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi thì mỗi người được tháp vào trong Hội Thánh, ở trong cùng một linh, tức là có chung một thần trí, là sự hiểu biết về Thiên Chúa qua Lời Chúa. Mỗi người được báp-tem vào trong Đấng Christ, trở thành chi thể trong thân thể của Ngài. Mỗi người cùng được uống chung nguồn năng lực và sự sống từ Đức Thánh Linh, tức là nhận lãnh thánh linh của Thiên Chúa.

14 Thân chẳng phải một chi thể, mà là nhiều chi thể.

15 Nếu chân nói: Vì ta chẳng phải là tay, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

16 Và nếu lỗ tai nói: Vì ta chẳng phải là mắt, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

17 Nếu toàn thân đều là mắt thì sự nghe ở đâu? Nếu toàn thân đều là tai thì sự ngửi ở đâu?

Câu 14 đến 17: Thân thể xác thịt của loài người có nhiều chi thể khác nhau. Mỗi chi thể có chức năng khác nhau, nhưng tất cả cùng làm việc theo chức năng của mình để phục vụ cho thân thể. Hội Thánh của Chúa có nhiều người khác nhau. Mỗi người được Chúa ban cho chức vụ hoặc việc làm khác nhau, nhưng tất cả cùng làm việc theo ân tứ Chúa đã ban cho, để cùng xây dựng và phát triển Hội Thánh theo ý Chúa.

18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể, mỗi một chúng trong thân thể, theo Ngài muốn.

19 Nếu hết thảy chúng là một chi thể thì thân ở đâu?

20 Vậy nên, có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân.

21 Mắt không thể nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần ngươi. Đầu cũng chẳng thể nói với bàn chân: Ta chẳng cần ngươi.

Câu 18 đến 21: Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể trong thân thể loài người kết hợp với nhau, cùng nhau làm việc, theo chức năng riêng của mỗi chi thể, đem lại ích lợi cho thân như thế nào thì Ngài cũng làm như vậy cho Hội Thánh. Mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể trong thân của Đấng Christ. Vì thế, mỗi người đều cần đến nhau và có bổn phận tương trợ lẫn nhau để cùng nhau xây dựng và phát triển Hội Thánh của Chúa. Không một người nào có thể đứng độc lập trong Hội Thánh mà không nhờ đến người khác hoặc không tiếp trợ người khác.

22 Trái lại, hơn thế nữa, các chi thể của thân xem là yếu đuối lại là cần thiết.

23 Các chi thể nào của thân mà chúng ta nghĩ là kém tôn trọng, thì chúng ta đặt sự tôn trọng trên chúng càng hơn; các chi thể nào của chúng ta chẳng đẹp, thì có sự trau giồi càng hơn.

Câu 22 và 23: Trong thân thể có các chi thể xem như rất yếu đuối nhưng lại là chi thể rất quan trọng, như đôi mắt chẳng hạn. Thực tế, không một chi thể nào là không quan trọng. Nhưng nếu ai có sự đánh giá không đúng, cho rằng, có chi thể nào đó của mình là hèn kém hoặc chẳng đẹp thì người ấy càng cần phải đặt sự tôn trọng và trau giồi càng hơn cho chi thể ấy. Trong Hội Thánh cũng không có ai là thấp hèn hơn người khác. Nếu có ai nghĩ ai đó là thấp hèn trong Hội Thánh thì người ấy càng phải có lòng tôn trọng anh chị em của mình càng hơn.

24 Vì các chi thể đẹp của chúng ta thì không cần sự trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã liên kết thân của chúng ta, ban sự tôn trọng càng hơn cho chi thể nào thiếu kém,

25 để cho không có sự phân rẽ trong thân, nhưng các chi thể cùng chăm sóc lẫn nhau.

26 Và, nếu một chi thể đau đớn thì hết thảy các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng thì hết thảy các chi thể cùng vui mừng.

27 Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.

Câu 24 đến 27: Các chi thể tốt đẹp, mạnh sức trong thân thể thì không cần sự trau giồi. Nếu chi thể nào yếu kém thì cần được quan tâm, trau giồi. Sự quan tâm trau giồi cho chi thể bị yếu kém là công sức của toàn thân thể, nghĩa là các chi thể còn lại trong thân cùng dự phần cho việc trau giồi chi thể bị yếu kém. Sự yếu kém đó có thể là vì bị bệnh tật hoặc tổn thương. Trong Hội Thánh, nếu có ai bị khó khăn, thiếu thốn về vật chất thì toàn thể Hội Thánh dự phần trong việc chăm sóc và tiếp trợ. Nếu có ai yếu đuối, vấp ngã trong đức tin thì toàn Hội Thánh cùng an ủi, khuyên bảo, khích lệ, cầu thay. Nan đề của một người trong Hội Thánh là nan đề chung của cả Hội Thánh. Phước hạnh của một người trong Hội Thánh là phước hạnh chung cho cả Hội Thánh. Mỗi người trong Hội Thánh liên quan đến nhau như mỗi chi thể trong thân liên quan đến nhau. Mỗi Hội Thánh địa phương là một phần trong Hội Thánh chung.

28 Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.

29 Có phải hết thảy là những sứ đồ? Có phải hết thảy là những tiên tri? Có phải hết thảy là những người dạy? Có phải hết thảy là những người làm phép lạ?

30 Có phải hết thảy có ân tứ chữa lành các tật bệnh? Có phải hết thảy nói các ngôn ngữ? Có phải hết thảy thông giải các ngôn ngữ?

Câu 28 đến 30: Đức Chúa Trời đã lập ra các chức vụ trong Hội Thánh và Đấng Christ đã ban cho một số người các chức vụ ấy. Đấng Thần Linh ban ân tứ kèm theo các chức vụ. Các chức vụ khác nhau trong Hội Thánh đều cùng chung một mục đích là để xây dựng và phát triển Hội Thánh. Vì thế, cho tới khi Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, các chức vụ này vẫn còn trong Hội Thánh. Những ngày cuối cùng này có sự bội Đạo lớn trong Hội Thánh nên các chức vụ càng cần thiết trong Hội Thánh còn hơn cả buổi đầu, lúc Hội Thánh mới được thành lập.

Chức vụ sứ đồ có nhiệm vụ rao giảng Tin Lành cho muôn dân, thành lập các Hội Thánh địa phương. Chức vụ tiên tri có nhiệm vụ công bố các lẽ thật về Thiên Chúa, nói lời tôn vinh Thiên Chúa; cáo trách tội lỗi và kêu gọi ăn năn; báo trước những gì sắp xảy ra, theo sự thần cảm của Đức Thánh Linh; nói ra những sự sâu nhiệm trong Lời Chúa. Chức vụ giảng dạy có nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa cho người chưa biết Chúa lẫn cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Chức vụ làm phép lạ có nhiệm vụ làm ra các dấu kỳ và phép lạ để tôn vinh Thiên Chúa và thể hiện năng lực của Thiên Chúa. Chức vụ chữa lành các tật bệnh có nhiệm vụ nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho người bệnh được lành bệnh ngay lập tức. Chức vụ cứu giúp có nhiệm vụ ra công sức, thời gian, và của cải để tiếp trợ các anh chị em đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Sự cứu giúp cũng có thể là lời an ủi, khích lệ, góp ý, khuyên bảo cho các anh chị em có nan đề về thuộc linh. Chức vụ cai quản có nhiệm vụ cai trị và điều hành Hội Thánh. Chức vụ nói các nhánh ngôn ngữ có nhiệm vụ nói ra những điều cao trọng của Thiên Chúa và tôn vinh Thiên Chúa trong các loại ngôn ngữ được Đức Thánh Linh thần cảm. Chức vụ thông giải các ngôn ngữ có nhiệm vụ thông giải cho những người nói các nhánh ngôn ngữ.

31 Hãy khao khát các ân tứ có ích hơn hết! Bây giờ, tôi sẽ chỉ cho các anh chị em con đường tuyệt vời.

Câu 31: Phao-lô khuyên con dân Chúa có lòng khao khát các ân tứ có ích hơn hết, có nghĩa là hãy khao khát các chức vụ quan trọng trong Hội Thánh, như các chức vụ được liệt kê hàng đầu: sứ đồ, tiên tri, người dạy. Con dân Chúa không cầu xin cho được một ân tứ nào, vì các ân tứ được ban cho theo ý của Đấng Thần Linh. Nhưng con dân Chúa có thể khao khát. Khi lòng khao khát đẹp ý Chúa thì Ngài sẽ ban cho con dân Ngài điều họ khao khát: “Vì Ngài làm cho thỏa mãn linh hồn khao khát, khiến cho linh hồn đói được đầy dẫy vật tốt.” (Thi Thiên 107:9).

“Con đường tuyệt vời” là đời sống có tình yêu thật từ Đức Chúa Trời, như được Phao-lô giãi bày trong phân đoạn kế tiếp.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về sự dạy dỗ trong phân đoạn Thánh Kinh con suy ngẫm ngày hôm nay. Kính xin Cha giúp cho con dân của Ngài ở khắp nơi hiểu và áp dụng sự hiểu phân đoạn Thánh Kinh này vào trong đời sống, để Hội Thánh luôn có sự hiệp một, đồng công trong công tác xây dựng và phát triển. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
23/05/2023