Timothy: I Cô-rinh-tô 10:14-22

7,730 views

Timothy: I Cô-rinh-tô 10:14-22
Con Dân Chúa Tránh Xa Sự Thờ Lạy Thần Tượng

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Mỗi ngày trôi qua, con đều được bình an, thỏa lòng, trong tình yêu và ân điển của Ngài. Lòng con luôn hướng về Ngài, tôn vinh Ngài, khi xem các thông tin về khoa học, hiểu được những sự kỳ diệu, lạ lùng trong thế giới quanh con mà Ngài đã dựng nên. Con mong chờ ngày Đấng Christ đến để con có được sự hiểu biết đầy trọn về công cuộc sáng tạo của Ngài, để con được kinh nghiệm Vương Quốc Trời mở ra trên đất trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Con tin rằng, khi đó, con dân của Ngài sẽ được hiểu biết những điều vô cùng sâu nhiệm trong Lời Hằng Sống của Ngài, vì Lời Ngài là chân lý, chứa đựng mọi mầu nhiệm về ý muốn và công việc của Ngài. Con cầu xin sức mới và ân điển từ Đấng Christ cho thân thể xác thịt của con. Con cầu xin sự thông sáng từ Đức Thánh Linh cho tâm thần của con. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về I Cô-rinh-tô 10:14-22, như sau:

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu của tôi! Hãy tránh xa sự thờ lạy thần tượng.

15 Tôi nói với các anh chị em như nói với những người khôn sáng. Các anh chị em hãy suy xét điều tôi nói.

Câu 14 và 15: Một lần nữa, Phao-lô khuyên con dân Chúa tránh xa sự thờ lạy thần tượng. Sự thờ lạy thần tượng bên ngoài là sự cúng tế và sấp mình tôn kính các thần tượng. Sự thờ lạy thần tượng bên trong là đức tin vào thần tượng và lòng kính sợ đối với thần tượng. Thần tượng có thể là các hình tượng do tay người làm ra nhưng cũng có thể là một ý tưởng, một sở thích, một ham muốn, hoặc sự kiêu ngạo của một người. Bất cứ điều gì mà một người ham muốn, tôn kính, trông cậy, hơn Thiên Chúa thì đó là thần tượng. Phao-lô xem con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là những người có sự khôn sáng; vì họ có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Vì thế, ông kêu gọi họ suy xét những điều ông khuyên dạy họ.

16 Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là thông với máu của Đấng Christ sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?

17 Vì chúng ta dù là nhiều người, là một tấm bánh, một thân thể; bởi vì hết thảy chúng ta dự phần trong một tấm bánh.

Câu 16 và 17: Cái chén phước lành là chén nước nho, tiêu biểu cho máu của Đấng Christ. Tấm bánh không men mà Hội Thánh cùng nhau bẻ tiêu biểu cho thân thể của Đấng Christ. Máu thánh của Đấng Christ đã đổ ra trên thập tự giá để rửa sạch tội lỗi, thân thể của Đấng Christ đã bị vỡ ra để gánh hình phạt của sự phạm tội cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Hội Thánh được gọi là thân thể của Đấng Christ nên tấm bánh không men cũng tiêu biểu cho Hội Thánh. Các mẩu bánh được bẻ ra từ một tấm bánh tiêu biểu cho mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể của Đấng Christ. Chính vì thế mà con dân Chúa không thể để cho thân thể mình dự phần trong sự thờ lạy thần tượng hoặc ăn của cúng thần tượng.

18 Hãy xem dân I-sơ-ra-ên theo phần xác! Chẳng phải những người ăn sinh tế là những người dự phần với bàn thờ sao?

Câu 18: Phao-lô dùng cách nói “dân I-sơ-ra-ên theo phần xác” để nói đến những người I-sơ-ra-ên không thuộc Hội Thánh. Theo nghi thức thờ phượng Thiên Chúa thời Cựu Ước, họ được dự phần ăn thịt sinh tế khi họ dâng của lễ giao hòa lên Đức Chúa Trời. Sinh tế được dâng trên bàn thờ, một phần được thiêu hóa trên bàn thờ, một phần được chia cho người dâng nên người ăn thịt của sinh tế là người dự phần với bàn thờ trong sự được nên thánh và thờ phượng Thiên Chúa. Con dân Chúa uống nước nho và ăn bánh không men trong Tiệc Thánh thì dự phần với thập tự giá. Thập tự giá là bàn thờ mà Đấng Christ đã dâng thân thể của Ngài trên đó, làm của lễ chuộc tội cho loài người. Dự phần với thập tự giá là cùng chịu khổ với Đấng Christ trong sự thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa. Còn những ai ăn của cúng thần tượng thì cũng dự phần với bàn thờ tà thần, là tôn vinh và hầu việc tà thần.

19 Vậy thì tôi nói gì? Thần tượng có ra gì hay là của cúng tế các thần tượng có ra gì chăng?

20 Nhưng những gì các dân ngoại cúng tế là cúng tế cho những ma quỷ, không phải cho Thiên Chúa; nên tôi không muốn các anh chị em thông công với những ma quỷ.

Câu 19 và 20: Trong thực tế, thần tượng là hư không vì là sản phẩm do tay loài người làm ra, theo sự tưởng tượng của họ. Vì thế, mọi của lễ dâng cúng thần tượng cũng là hư không. Nhưng đàng sau các thần tượng là ma quỷ, nghĩa là ma quỷ chủ trương cho loài người làm ra và tôn thờ các thần tượng. Thậm chí, ma quỷ có thể làm ra một số phép lạ qua các thần tượng để lừa gạt loài người. Vì thế, sự thờ phượng và cúng tế thần tượng trở thành sự thờ phượng và cúng tế ma quỷ. Người cúng tế thần tượng hoặc ăn của cúng thần tượng trở thành người thông công với ma quỷ. Ma quỷ là Sa-tan và các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa.

21 Các anh chị em không thể uống chén của Chúa cùng chén của những ma quỷ. Các anh chị em không thể dự phần bàn ăn của Chúa cùng bàn ăn của những ma quỷ.

22 Hay chúng ta muốn chọc giận Chúa? Chúng ta mạnh sức hơn Ngài sao?

Câu 21 và 22: Con dân Chúa tuyệt đối không thể ăn của cúng thần tượng, khi biết chúng là của cúng thần tượng. Vì biết mà ăn tức là chấp nhận thông công với thần tượng. Ai làm như vậy là chọc giận Thiên Chúa. Vì dám làm ô uế thân thể của mình là Đền Thờ của Thiên Chúa. Và không ai có thể chống lại cơn giận của Thiên Chúa. Trong trường hợp con dân Chúa không biết mà ăn của cúng thần tượng thì không có vấn đề gì.

Thưa Cha, xin Cha giúp cho mỗi một con dân của Ngài hiểu rõ thế nào là thần tượng, thế nào là dự phần trong việc cúng tế, hầu việc thần tượng. Xin Cha giúp cho mỗi một con dân của Ngài biết gớm ghét các loại hình tượng, những bàn thờ tà thần, kể cả những bàn thờ người chết. Và xin Cha giúp mỗi một con dân của Ngài cương quyết không ăn của cúng thần tượng. Nếu có thể thì cũng không đi vào những nơi mua bán, vui chơi có hình tượng hoặc bàn thờ tà thần. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
15/05/2023