Timothy: Ga-la-ti 5:13-18

10,843 views

Timothy: Ga-la-ti 5:13-18
Người Cũ và Người Mới – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Ngày tháng cứ trôi qua và lòng con cứ nôn nao hướng về sự đến của Đấng Christ; biết rằng, mình đã ở vào cuối cuộc hành trình vào thiên đàng. Bởi đó, trong con có sự bình an lạ lùng, cho dù đời sống có xoay chuyển ra sao trong những khó khăn, thử thách.

Con cảm tạ Cha đã cho con có cơ hội sống qua những ngày lính chiến gian khổ, hiểm nguy trong các cuộc hành quân. Con cảm tạ Cha đã cho con có hai lần bị tù và bị lao động khổ sai vì đối kháng với nhà cầm quyền cộng sản. Con cảm tạ Cha đã cho con những ngày tháng lao động nhọc nhằn, kiếm sống, đào đất mướn, đốn củi, làm ruộng. Con cảm tạ Cha đã cho con kinh nghiệm sự hiểm nguy của bão tố trên biển trong lần lái tàu vượt biển tìm tự do. Con cảm tạ Cha đã cho con và gia đình trải qua những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, sau khi chúng con quyết tâm dấn thân vào chức vụ rao giảng Lời Chúa. Có những lúc mà chúng con không có tiền để đi chợ, thậm chí vài xu cũng không có. Nhưng Ngài lại sai người mang thức ăn đến để trước cửa nhà; hoặc sai người dẫn đi chợ và đứng ra trả tiền. Có lúc chúng con tưởng phải ra sống ngoài đường vì không có tiền trả tiền thuê nhà. Các sự ấy khiến cho con được rèn luyện để quen chịu khổ, giúp con không ngại khó, ngại khổ trên bước đường theo Chúa. Giờ đây, dù cho con có phải chịu khổ theo Chúa thì dường như cũng không gian khổ như cuộc đời đã qua. Mà thời gian chịu khổ cũng sẽ không còn bao lâu. Vì ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Con xin Đấng Christ thêm sức mới cho con. Con xin Đức Thánh Linh dẫn con vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Ga-la-ti 5:13-18, như sau:

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em đã được gọi đến sự tự do, chỉ đừng dùng sự tự do làm cơ hội cho xác thịt, nhưng hãy bởi tình yêu mà phục vụ lẫn nhau.

14 Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.

Câu 13 và 14: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhắc cho con dân Chúa tại Ga-la-ti nhớ, họ là những người tự do trong Đấng Christ. Họ được tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Họ được tự do khỏi sự lên án và hình phạt về những tội lỗi họ đã làm ra. Họ được tự do chọn sống một đời sống mới thánh khiết, vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời; hoặc quay trở lại sống nếp sống chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt mà phạm tội. Sự tự do ấy do Đấng Christ ban cho họ, qua sự chết chuộc tội của Ngài. Phao-lô khuyên họ hãy dùng sự tự do ấy để sống nếp sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Con hiểu rằng, bởi tình yêu của Thiên Chúa mà loài người được cứu, được tự do thì những ai được cứu, được tự do phải biết chọn sống đời sống được tác động bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đời sống được tác động bởi tình yêu của Thiên Chúa trước hết là vì yêu Thiên Chúa nên sống theo thánh ý của Ngài. Kế tiếp là vì có tình yêu của Thiên Chúa nên luôn yêu mọi người, như Thiên Chúa yêu loài người. Nền tảng của luật pháp là tình yêu của Thiên Chúa. Những gì luật pháp đòi hỏi là đòi hỏi loài người yêu lẫn nhau như yêu chính mình, cư xử với nhau như mình muốn được người khác cư xử.

15 Nhưng nếu các anh chị em cắn nuốt lẫn nhau, thì hãy coi chừng, kẻo các anh chị em bị diệt bởi nhau.

Câu 15: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô muốn cảnh cáo con dân Chúa tại Ga-la-ti về sự cư xử với nhau không bởi tình yêu của Thiên Chúa. Khi không hành động bởi tình yêu thì người ta sẽ tham lam, ích kỷ, không quan tâm người khác, trái lại, họ sẵn sàng lạm dụng nhau, bức hiếp nhau. Điều đó dẫn đến sự tiêu diệt lẫn nhau. Đó là thực tế mỗi ngày trong thế gian, với câu tục ngữ: “Cá lớn nuốt cá bé”. Con dân Chúa trong Hội Thánh là chi thể của cùng một thân nên sự cắn nuốt nhau là sự tự hủy diệt chính mình.

16 Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!

17 Vì xác thịt ưa muốn trái với sự ưa muốn của tâm thần và tâm thần trái với của xác thịt. Hai bên trái nghịch nhau, nên các anh chị em không làm được điều mình muốn.

Câu 16 và 17: Con hiểu rằng, thần trí là sự hiểu biết của thân thể thiêng liêng là tâm thần. Đó là sự hiểu biết về Thiên Chúa, về Lời Hằng Sống của Ngài, và là sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa, do Đức Chúa Jesus Christ truyền đạt và do Đức Thánh Linh soi dẫn. Trong khi đó, lý trí là sự hiểu biết của thân thể vật chất là xác thịt. Lý trí thường khiến cho người ta sống theo những thói quen, những quy định, những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội mà thường khi là sai nghịch Lời Chúa. Lý trí cũng thường ngụy biện để bao che cho sự chiều theo những ham muốn bất chính của xác thịt; hoặc bao che cho sự thỏa mãn những ham muốn chính đáng của xác thịt bằng các phương cách bất chính.

Đối với một người bình thường, chưa tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, trong tâm thần của họ cũng có sự hiểu biết từ Thiên Chúa, gọi là lương tâm. Thần trí ấy kêu gọi họ sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa nhưng xác thịt họ chỉ muốn được thỏa mãn những ham muốn của nó. Sự đối nghịch đó khiến cho họ không thể sống đúng theo lương tâm. Đó là điều Sứ Đồ Phao-lô cũng đã giãi bày rõ ràng trong Rô-ma 7:15-25.

18 Nhưng, nếu các anh chị em nhờ thần trí dẫn dắt, thì các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp.

Câu 18: Con hiểu rằng, đối với con dân Chúa, những người đã thật lòng tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa thì họ có năng lực của Thiên Chúa đổ đầy trong họ để họ có thể sống theo thần trí. Họ không còn phạm pháp để bị ở dưới luật pháp. Vấn đề là họ có chọn sống theo thần trí hay không.

Thưa Cha, xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài biết nhờ sức toàn năng của Thiên Chúa để sống một đời sống yêu thương, thánh khiết, và công chính. Xin Cha giúp cho mỗi chúng con luôn chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa mỗi ngày qua nếp sống của chúng con. Xin Cha giúp chúng con không chỉ rao giảng Tin Lành bằng lời nói mà còn là bằng chính nếp sống của chúng con. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy