Timothy: Ga-la-ti 2:1-10

5,799 views

Timothy: Ga-la-ti 2:1-10
Chức Vụ và Sự Giảng Dạy của Phao-lô Được Hội Thánh Công Nhận

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Hôm nay, con có cơ hội được trao đổi với nhiều anh chị em cùng Cha qua Liên Mạng Thông Tin Toàn Cầu. Dù chúng con chỉ dùng cách nhắn tin, không nhìn thấy nhau, nhưng tốc độ tin nhắn truyền đi thật nhanh, trong khi chúng con cách nhau hàng chục ngàn km. Các phương tiện kỹ thuật loài người đang sử dụng thật là kỳ diệu. Nhưng đó là do loài người khám phá ra các định luật vật lý của Thiên Chúa và áp dụng vào trong cuộc sống. Con nghĩ, nếu loài người khám phá các định luật thuộc linh và áp dụng vào trong đời sống thì cuộc sống của loài người sẽ vô cùng tuyệt vời. Cảm tạ Cha đã ban cho chúng con Lời Hằng Sống của Thiên Chúa để qua đó chúng con có thể khám phá các định luật thuộc linh. Và chính Lời của Ngài đã dạy chúng con phải khám phá các định luật thuộc linh, rồi cẩn thận làm theo để chúng con được thịnh vượng trong đời sống và có hành động thông sáng. Con thật mong mau tới ngày Đấng Christ đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, để con được bước vào trong sự hiểu biết đầy trọn những việc làm của Ngài. Con cầu xin Đấng Christ thêm sức mới cho con. Con cầu xin Đức Thánh Linh dẫn con vào trong mọi lẽ thật của Lời Hằng Sống. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Ga-la-ti 2:1-10, như sau:

1 Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, và có đem theo Tít.

Câu 1: Con hiểu rằng, kể từ khi Sứ Đồ Phao-lô gặp và trao đổi với Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem thì 14 năm sau, ông đã cùng Ba-na-ba và Tít về lại Giê-ru-sa-lem, vì một vấn nạn trong Hội Thánh tại An-ti-ốt. Lúc bấy giờ có các giáo sư giả đến từ Giê-ru-sa-lem, dạy cho con dân Chúa tại An-ti-ốt phải chịu cắt bì và giữ các nghi thức trong Do-thái Giáo. Có lẽ vì các giáo sư giả đó đã nhân danh các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem mà giảng dạy như vậy. Họ làm như vậy để con dân Chúa hiểu lầm là họ giảng dạy bởi thẩm quyền của các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem, và giảng dạy theo lẽ thật được các sứ đồ công nhận. Trong khi đó, Phao-lô và Ba-na-ba thì dạy rằng, con dân Chúa không cần chịu cắt bì, cũng không cần giữ các nghi thức thờ phượng trong Do-thái Giáo. Điều này làm cho con dân Chúa tại An-ti-ốt hoang mang. Vì vậy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã yêu cầu Phao-lô, Ba-na-ba, cùng các người ấy về Giê-ru-sa-lem, trình bày sự việc với các sứ đồ để được sự khẳng định của các sứ đồ. Trong chuyến đi đó, Phao-lô đã mang theo Tít.

2 Tôi đã lên đó bởi sự mạc khải, và tôi đã phô bày cho họ Tin Lành mà tôi giảng trong các dân ngoại, lại phô bày riêng cho những người có danh tiếng, kẻo tôi đang chạy hoặc đã chạy một cách vô ích.

3 Tuy nhiên, Tít, người cùng đi với tôi, là người Hy-lạp, mà không bị ép phải chịu cắt bì.

Câu 2 và 3: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đã được Chúa mạc khải về chuyến đi. Không phải ông đi vì Hội Thánh tại An-ti-ốt yêu cầu, mà ông đi vì Chúa muốn ông đi và Ngài đã tỏ ra như vậy trong ông. Nếu Phao-lô tự ý đi theo sự yêu cầu của Hội Thánh thì tỏ ra ông đã không chắc chắn về sự giảng dạy của mình mà cần đến sự công nhận của các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng Chúa muốn nhân cơ hội này giải quyết nan đề một lần đủ cả nên Ngài đã mạc khải cho ông phải về lại Giê-ru-sa-lem để trình bày sự việc trước Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô đã giảng Tin Lành cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem cùng một nội dung như ông đã giảng trong các dân ngoại. Có lẽ ông đã giảng riêng cho các sứ đồ là những người được Hội Thánh tôn trọng, trước khi giảng chung cho Hội Thánh.

Phao-lô muốn sự việc được sớm khẳng định là ông đã rao giảng Tin Lành chân thật, sự rao giảng của ông không là sự lãng phí thời gian trong cuộc sống. Ngày nay, nhiều người đã rao giảng Tin Lành cách không chân thật, dùng yếu tố tâm lý để thuyết phục người nghe; hoặc đã rao giảng một Tin Lành không chân thật, đã bị biến đổi bởi các sự thêm hoặc bớt vào Tin Lành. Họ là những người đã và đang chạy cách vô ích trong cuộc đời theo Chúa và hầu việc Chúa.

Con hiểu rằng, Tít đã không bị Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem buộc phải chịu cắt bì. Điều đó chứng tỏ, Tin Lành do Phao-lô và Ba-na-ba rao giảng không khác với Tin Lành do các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem rao giảng.

4 Đó là vì có mấy người anh em giả, đã lén lút xâm nhập, là những người vào bên cạnh, rình xem sự tự do mà chúng tôi có trong Đấng Christ Jesus, để bắt chúng tôi làm nô lệ.

Câu 4: Con hiểu rằng, con dân Chúa gọi nhau là anh chị em cùng Cha. Sứ Đồ Phao-lô gọi mấy người rao giảng tà giáo là anh em giả, vì họ xưng nhận là họ tin nhận Tin Lành nhưng họ không tin nhận cùng một Tin Lành như ông. Họ là những người thêm việc làm theo các nghi thức tiêu biểu thời Cựu Ước cùng các nghi thức tôn giáo do loài người đặt ra trong Do-thái Giáo vào Tin Lành. Phao-lô nói, họ “lén lút xâm nhập”, là vì họ không được Chúa sai bảo họ đến An-ti-ốt làm công việc giảng dạy. Họ hành động theo ý riêng, tự lập làm thầy. Đó là điều Gia-cơ đã cảnh cáo con dân Chúa trong Gia-cơ 3:1. Phao-lô nói, họ “rình xem”, là vì họ xoi mói, tìm cách để bắt bẻ con dân Chúa. Sự tự do của con dân Chúa là sự tự do khỏi án phạt của tội lỗi, tự do khỏi quyền lực của tội lỗi, và cũng tự do khỏi những nghi thức tiêu biểu trong luật pháp thời Cựu Ước. Điển hình là con dân Chúa không cần chịu cắt bì trong xác thịt để tiêu biểu cho sự tin nhận sự chuộc tội và sự làm cho sạch tội bởi Đấng Christ. Vì Đấng Christ đã đến, họ đã tin nhận Ngài thì Ngài đã cắt bì họ cách thiêng liêng, tức là làm sạch bản tính tội trong họ, như Phao-lô đã trình bày trong Cô-lô-se 2:11.

5 Chúng tôi đã không nhường họ bởi sự phục tùng, dù chỉ trong một giờ, để cho lẽ thật của Tin Lành được ở lại với các anh chị em.

Câu 5: Con hiểu rằng, Phao-lô và Ba-na-ba đã không nhường nhịn các giáo sư giả đó bởi sự vâng theo họ. Trái lại, hai ông đã bác bỏ sự giảng dạy của họ, không cho phép họ giảng dạy trong Hội Thánh tại An-ti-ốt. Hai ông đã bảo vệ Tin Lành chân thật mà hai ông đã rao giảng cho con dân Chúa tại An-ti-ốt. Ngày nay, có nhiều người rao giảng tà giáo được con dân Chúa chấp nhận. Thậm chí, con dân Chúa còn tiếp tay phổ biến những sự rao giảng tà giáo ấy. Đó là vì con dân Chúa đã không có sự suy ngẫm Lời Chúa để nhận biết và khước từ tà giáo. Đúng như lời Đức Chúa Jesus đã phán: “Kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, cả hai sẽ cùng ngã xuống hố.” (Ma-thi-ơ 15:14).

6 Còn về những người được tôn trọng – trước đây họ như thế nào, thì chẳng can dự gì đến tôi, Thiên Chúa không chấp nhận bề ngoài của loài người – những người được tôn trọng ấy chẳng thêm điều gì cho tôi.

7 Trái lại, họ thấy rằng, sự giảng Tin Lành cho người không chịu cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ.

Câu 6 và 7: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nói đến các sứ đồ khác của Chúa tại Giê-ru-sa-lem, là các người trước đây đã từng đi theo Chúa, được Chúa trực tiếp giảng dạy và ban cho chức sứ đồ. Sự họ được học từ Chúa và được Chúa ban cho chức sứ đồ không liên quan gì đến ông. Không phải vì vậy mà họ có thẩm quyền trên ông hoặc hiểu biết Tin Lành hơn ông. Kể cả hiện tại họ đang được tôn trọng trong Hội Thánh thì cũng không ảnh hưởng hay có quyền gì trên ông. Vấn đề là tấm lòng của họ và tấm lòng của ông đều thật lòng tin kính Chúa và vâng phục Ngài. Đức Chúa Trời chỉ xét về tấm lòng của mỗi người.

Các người ấy đã nhận biết Phao-lô được Chúa ban cho chức vụ sứ đồ để giảng Tin Lành cho các dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên. Họ nhận biết Phao-lô có cùng thẩm quyền và sự hiểu biết về Tin Lành để rao giảng Tin Lành như Phi-e-rơ. Phao-lô dùng các từ ngữ “người không chịu cắt bì” và “người chịu cắt bì” để nhấn mạnh lẽ thật: dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân ngoại cần được cứu rỗi như nhau; cả hai đều nhận lãnh cùng một Tin Lành. Nghĩa là sự cắt bì đã không đem sự cứu rỗi đến cho dân I-sơ-ra-ên mà là Tin Lành. Vậy, tại sao các dân ngoại đã được cứu bởi Tin Lành lại phải chịu cắt bì?

8 Vì Đấng đã tác động trong Phi-e-rơ chức vụ sứ đồ cho người chịu cắt bì, cũng đã tác động trong tôi chức vụ sứ đồ cho các dân ngoại.

Câu 8: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhận thức cách rõ ràng, Phi-e-rơ và ông cùng được sử dụng bởi một Thiên Chúa, theo thánh ý của Ngài, cho công việc rao giảng Tin Lành. Trong khi Phi-e-rơ được biệt riêng, đứng đầu những người giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên thì Phao-lô được biệt riêng. Đứng đầu những người giảng Tin Lành cho các dân tộc khác. Họ có cùng một chức vụ, cùng một thẩm quyền, cùng một năng lực, và cùng một Tin Lành để phụng sự Thiên Chúa trong môi trường Ngài đã định sẵn cho mỗi người.

9 Khi Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng là các người được xem như cột trụ, nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì họ trao tay phải giao kết với tôi và Ba-na-ba, để cho chúng tôi đến với các dân ngoại, còn họ thì đến với người chịu cắt bì.

10 Chúng tôi chỉ phải nhớ đến những người khó nghèo, ấy cũng chính là điều tôi đã sốt sắng làm.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, Sê-pha là một tên gọi khác của Phi-e-rơ. Khi ấy, Gia-cơ là giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Phi-e-rơ là người đứng đầu 12 sứ đồ, Giăng là sứ đồ được Chúa yêu, đang chăm sóc bà Ma-ri, mẹ của Chúa. Cả ba là các người rất được tôn trọng trong Hội Thánh và được Chúa ban cho quyền cai trị Hội Thánh. Họ đã nhận biết Đức Chúa Trời cùng Đức Chúa Jesus Christ đã ban ân điển cho Phao-lô để ông làm sứ đồ của Đấng Christ. Họ đã công nhận Phao-lô và Ba-na-ba là sứ đồ của Đấng Christ và trao tay phải giao kết với hai ông. Hành động trao tay phải giao kết thể hiện sự họ cùng đức tin và cùng phụng sự Chúa với Phao-lô và Ba-na-ba. Họ chấp nhận Phao-lô và Ba-na-ba là sứ đồ cho các dân ngoại còn họ là sứ đồ cho dân I-sơ-ra-ên. Điều đó không có nghĩa Phao-lô và Ba-na-ba không được giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên; và ngược lại, các sứ đồ khác không được giảng Tin Lành cho các dân ngoại. Điều đó chỉ nói lên nhiệm vụ chính của mỗi bên. Khi có cơ hội thì mỗi người có thể giảng Tin Lành cho bất cứ ai.

Có lẽ các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem đã nhắc nhở Phao-lô và Ba-na-ba đặc biệt quan tâm đến những con dân Chúa có hoàn cảnh khó nghèo. Tuy nhiên, Phao-lô đã sốt sắng về sự ấy. Con dân chân thật của Chúa luôn biết quan tâm đến mọi nhu cầu của anh chị em cùng đức tin.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học hôm nay. Cứ mỗi lần suy ngẫm lại mỗi lời trong Thánh Kinh thì con đều nhận thêm sự hiểu biết và được nhắc cho nhớ các lẽ thật của Thánh Kinh. Kính xin Cha ban phước cho linh vụ cùng nhau suy ngẫm Lời Chúa của Hội Thánh Việt Nam chúng con. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự bình an từ Ngài và từ Đức Chúa Jesus Christ luôn ở cùng chúng con. Nguyện Đức Thánh Linh luôn ban cho chúng con sự khôn sáng và lòng dạn dĩ, cùng năng lực sống theo Lời Chúa. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy