Priscilla: Ga-la-ti 3:15-21

8,548 views

Priscilla: Ga-la-ti 3:15-21
Vai Trò của Luật Pháp – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con cảm tạ Cha, vì Ngài đã ban cho con Lời Hằng Sống mỗi ngày. Con cầu xin Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật soi sáng, giúp cho con có thêm sự hiểu biết và có đủ năng lực để làm theo mọi lời phán dạy của Ngài.

Lạy Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Ga-la-ti 3:15-21, dạy về vai trò của luật pháp.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.

Câu 15: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhắc cho con dân Chúa tại Ga-la-ti nhớ về nguyên tắc kết ước của loài người. Đó là không có ai, không có sự gì có thể hủy bỏ giao ước, hoặc thêm hay bớt một điều gì vào trong giao ước đã được thiết lập. Tương tự như vậy là giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông.

16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]

Câu 16: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nói về lời hứa của Thiên Chúa, không phải để chỉ về nhiều người. Nhưng được dùng để chỉ một người sẽ ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham. Người ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ mà mọi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành đối với Áp-ra-ham, đem lại ơn phước cho muôn dân.

17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.

Câu 17: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nói đến luật pháp được Đức Chúa Trời ban hành tại Núi Si-na-i, khi Ngài lập giao ước với dân I-sơ-ra-ên. Luật pháp ấy được chép thành chữ, có Mười Điều Răn mà Thánh Kinh gọi là Mười Lời Phán của Thiên Chúa. Luật pháp ấy mãi 430 năm sau lời hứa mới có và không thể hủy bỏ lời hứa.

18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.

Câu 18: Con hiểu rằng, sự Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham là cơ nghiệp, và Áp-ra-ham đã bởi đức tin mà nhận lãnh, chứ không phải do ông vâng giữ trọn vẹn các điều răn, các luật lệ, và các luật pháp của Thiên Chúa. Trước khi luật pháp chép thành chữ được ban hành tại Núi Si-na-i thì Áp-ra-ham đã nhận được lời hứa của Đức Chúa Trời. Nếu một người muốn nhờ vào sự vâng giữ luật pháp để được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời thì ý muốn ấy sẽ không thành. Vì luật pháp không hề hứa ban cho bất cứ ai điều gì, ngoài sự hình phạt bất cứ ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.

Câu 19: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đặt câu hỏi, tại sao có luật pháp được ghi chép trong Thánh Kinh. Luật pháp được viết thành chữ được ban cho loài người vì những sự phạm luật pháp của loài người ngày càng gia tăng, khiến họ không còn nhận biết Thiên Chúa và thờ phượng Ngài. Luật pháp viết thành chữ được ban hành cho loài người qua dòng dõi của Áp-ra-ham là tuyển dân của Đức Chúa Trời, tức là dân I-sơ-ra-ên. Nhờ đó, loài người đọc, nghe, và làm theo, cho tới khi sự cứu rỗi đến bởi một người thuộc dân I-sơ-ra-ên. Người ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng hoàn thành mọi lời hứa của Đức Chúa Trời. Luật pháp viết thành chữ tại Núi Si-na-i có Mười Điều Răn, do chính tay Đức Chúa Trời chép trên hai bảng đá, được các thiên sứ truyền đạt cho Môi-se. Môi-se là người trung bảo giữa dân I-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời. Môi-se tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời với toàn thể nhân loại.

20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.

Câu 20: Con hiểu rằng, người trung bảo là người đứng giữa hai bên hoặc nhiều bên, có bổn phận giúp cho các bên thương lượng với nhau và chịu trách nhiệm về sự giữ lời hứa của các bên. Trong Giao Ước Luật Pháp lập tại Núi Si-na-i, thì Môi-se là người trung bảo giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên. Khi Đức Chúa Trời hình phạt dân I-sơ-ra-ên vì sự họ vi phạm luật pháp của Ngài thì Môi-se đứng ra cầu thay cho họ.

21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

Câu 21: Con hiểu rằng, luật pháp được viết thành chữ không hề nghịch lại bất cứ một lời hứa nào của Đức Chúa Trời. Luật pháp thể hiện ý muốn của Đức Chúa Trời về nếp sống của loài người. Còn lời hứa là về sự Đức Chúa Trời sẽ xưng loài người là công chính bởi đức tin của họ nơi Ngài, không bởi việc làm theo luật pháp. Vì thế, luật pháp và lời hứa đều không có gì nghịch lại thánh ý của Thiên Chúa.

Lạy Cha, con cảm tạ ơn Cha, vì Ngài đã ban cho con có đức tin trong Đấng Christ, được xưng là công chính, thuộc về dân thánh của Đức Chúa Trời, và được hưởng phước thuộc về dòng dõi, con cháu của Áp-ra-ham. Xin Cha giúp cho con luôn biết vâng giữ các điều răn luật pháp của Thiên Chúa để con sống đẹp ý Ngài. Con cảm tạ và cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Priscilla