Choose your language
The Strong's Lexicon is currently available in English and Vietnamese only and in the process of of being compiled. The English Dictionary is 1913 Edition of Webster's Unabridged Dictionary.
Examples: G1, H1, Biblical, Christian, insight, Thiên Chúa, Hội Thánh, địa vị...

Pha-ri-si

Danh từ Phái Pha-ri-si (Pharisees - G5330): Danh từ “Pha-ra-si” có nghĩa là những người tự biệt riêng để phụng sự Thiên Chúa. Phái Pha-ri-si tự xem họ là những người được biệt riêng để lo việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh. Phần lớn họ là các Ra-bi (Rabbi – người chuyên việc giảng dạy Thánh Kinh Thánh Kinh), các thầy thông giáo (người sao chép và giải thích Thánh Kinh), và các nghị viên trong Tòa Công Luận. Mặc dù ngày nay danh từ Pha-ri-si thường được dùng với nghĩa “kẻ giả hình” nhưng những người Pha-ri-si thuở ban đầu đã gắn bó sâu sắc với hành vi đạo đức và cách tiếp cận Thánh Kinh mang tính học thuật. Phái Pha-ri-si xuất hiện vào khoảng từ năm 165 TCN đến năm 160 TCN. Lập trường về đạo đức của họ bao gồm sự tuân thủ nghiêm khắc các khía cạnh hành vi của Luật pháp Môi-se. Chính họ đã phát triển và thiết lập những lời truyền khẩu diễn giải Ngũ Kinh. Những lời diễn giải ấy được gọi là “Luật Pháp Truyền Khẩu” (The Oral Torah) hoặc “Luật Pháp bất Thành Văn” (The Unwritten Torah). Danh từ “Torah” trong tiếng Hê-bơ-rơ bao gồm các nghĩa: lời chỉ dẫn, sự giảng dạy, giáo lý, hoặc luật pháp; thường được dùng để gọi chung Ngũ Kinh, tức là năm sách đầu tiên của Thánh Kinh.

Khi chúng ta đọc trong Thánh Kinh, thấy danh từ “luật pháp” để chỉ về luật pháp của Đức Chúa Trời, thì danh từ ấy đặc biệt chỉ về tất cả các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, từ Sáng Thế Ký cho đến Phục Truyền Luật Lệ Ký. Trong một ý nghĩa rộng hơn, danh từ “luật pháp” bao gồm toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước.

Những người Pha-ri-si tin vào đời sau và sự phục sinh của thân thể xác thịt theo nghĩa đen. Họ tin vào sự tiền định bởi Thiên Chúa. Họ tìm cách giải thích ý nghĩa của Thánh Kinh sao cho có thể ứng dụng cụ thể vào nếp sống mỗi ngày. Họ chủ trương sự thờ phượng Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem mà là có thể thực hiện ngay cả ở những nơi xa Đền Thờ và ở ngoài Giê-ru-sa-lem. Vì thế, họ chủ trương xây dựng các nhà hội và tổ chức nhóm hiệp trong các nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát.

Đến thời của Đức Chúa Jesus thì phái Pha-ri-si đã bị băng hoại trầm trọng. Ma-thi-ơ đoạn 15 ghi lại lời Đức Chúa Jesus lên án họ về sự dạy cho người ta theo lời truyền khẩu mà bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời. Ma-thi-ơ đoạn 23 ghi lại lời Đức Chúa Jesus quở trách họ về sự giả hình của họ. Phần lớn những người Pha-ri-si giữ chức vụ thầy tế lễ. Dù vậy, sau khi Đền Thờ bị quân đội La-mã phá hủy vào năm 70, phái Pha-ri-si vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ để bảo tồn văn hóa và đức tin của dân I-sơ-ra-ên qua sự giảng dạy của họ trong các nhà hội. Nhờ đó mà Do-thái Giáo vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.